05/01/2013 - 21:35

Củng cố niềm tin cho thị trường, tạo đà phát triển doanh nghiệp

Căn cứ tình hình thế giới và hoạt động của doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia kinh tế dự báo, tình hình kinh tế 2013 cũng không mấy sáng sủa bởi tất cả hệ lụy, tồn đọng của các năm trước và năm 2012 để lại. Do đó, nhiều thử thách cam go đang chờ đợi phía trước. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chính sự sáng tạo, liên kết của các doanh nghiệp sẽ tạo nên sức mạnh để vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển.

* Lấy lại niềm tin cho thị trường

Tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư 2012: "Doanh nghiệp – Cơ hội phát triển năm 2013" vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Ủy viên ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, năm 2012 là năm niềm tin của thị trường bị giảm sút nghiêm trọng, muốn xúc tiến thương mại đầu tư trước hết các chính sách phải lấy lại niềm tin cho thị trường. Bởi năm 2012 là năm tích tụ tất cả những khó khăn, sụt giảm kinh tế kéo dài từ 2008 để lại, các doanh nghiệp (DN) đến nay đã đuối sức.

DN xuất khẩu lúa gạo hy vọng năm 2013 thị trường sẽ khả quan hơn. Ảnh: CTV. 

Giữa tháng 12-2012, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt tập trung giải quyết 3 vấn đề khó khăn nhất của DN hiện nay là: Hàng tồn kho, nợ xấu và tình trạng đóng băng thị trường bất động sản. 3 vấn đề này phải được giải quyết đồng bộ để từng bước xử lý nợ xấu và làm ấm từng phần thị trường bất động sản. Bởi thị trường bất động sản Việt Nam gắn liền với tình trạng nợ xấu của các ngân hàng, không giải quyết nó thì không giải quyết được "cục máu đông" nợ xấu. TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, Chính phủ chỉ hỗ trợ thị trường và để thị trường tự điều chỉnh chứ không cứu thị trường, làm thay thị trường như nhiều người nghĩ. Đã đến lúc các DN phải chấp nhận sự điều chỉnh của thị trường, những DN làm ăn tốt có khả năng tiếp tục phát triển mạnh hơn, còn DN yếu kém sẽ phải chấp nhận "biến" khỏi thị trường. Trong năm 2013, chắc chắn niềm tin sẽ lấy lại và kinh tế có sự phục hồi để bắt đầu một quy trình tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc thị trường và tái cấu trúc DN.

Đồng quan điểm này, ông Trần Kim Chung – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn C.T Group nhận định, các gói giải pháp được Chính phủ tập trung lần này được xem như đã "chẩn đoán" được các bệnh chủ yếu của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, với gói hỗ trợ 150.000 tỉ đồng để giải cứu thị trường bất động sản thì không thể dịch chuyển nhanh được khối nợ đọng bất động sản khổng lồ, mà cần phải có thời gian. Điều đáng nói là phải xem xét trong khối nợ đọng này có bao nhiêu là nợ xấu. Do đó, phải đánh giá lại như thế nào là nợ xấu trong bối cảnh như hiện nay. Đã đến lúc cần một nhạc trưởng là Nhà nước đóng vai trò tạo dựng niềm tin cho thị trường.

Ông Phùng Anh Tuấn – Tổng Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong tình hình thu hút đầu tư nước ngoài đang cạnh tranh gay gắt, gần đây việc thu hút FDI của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới không được cao những năm trước. Việt Nam vẫn là thị trường đáng quan tâm và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu như tối ưu hóa được những trở ngại trong thủ tục cấp phép đầu tư, thành lập DN. Cụ thể, quy định thành lập DN của Việt Nam vẫn còn gắn chặt với việc cấp giấy phép đầu tư đối với các DN FDI. Nếu muốn thu hút thêm FDI phải thay đổi cách làm này, bởi việc kết hợp giữa thành lập DN mới với việc cấp giấy phép đầu tư mới, nghe như là rút gọn hai thủ tục thành một, nhưng trên thực tế gây rất nhiều cản trở không đáng có và kéo dài thời gian xin thành lập DN của các DN FDI muốn đầu tư vào Việt Nam.

* Cơ hội phát triển của doanh nghiệp

Theo ông Trần Kim Chung, hiện nay vốn FDI tham gia vào M&A (mua bán và sáp nhập) trong năm 2012 đa phần rơi vào những ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2013, tỷ trọng FDI tham gia vào M&A dự báo tiếp tục tăng với những thương vụ lớn. Một dấu hiệu tốt theo ông Trần Kim Chung, dù năm 2012 là năm thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào bất động sản Việt Nam ở lĩnh vực M&A với khoảng 10 thương vụ. Đông Nam bộ là khu vực thu hút FDI lớn nhất với tổng số vốn 5,2 tỉ USD (chiếm 42,7% cả nước). Trong đó, Bình Dương đứng đầu với tổng số vốn 2,2 tỉ USD, tiếp theo là TP.Hồ Chí Minh đạt 1,4 tỉ USD, Đồng Nai 1,15 tỉ USD, còn lại Hải Phòng 1,2 tỉ USD, Bắc Ninh gần 1,1 tỉ USD, Hà Nội thu hút 1,024 tỉ USD.

"M&A có thể được xem là giải pháp hữu hiệu để cắt bỏ những chiến lược kinh doanh không hiệu quả và tích hợp tốt với thế mạnh mà DN đang có. Trong tình hình khó khăn, nếu hai DN muốn M&A nhưng không có tiền để trả thì có thể đổi cổ phần cho nhau (M&A hai chiều) là xu hướng hoạt động khá thú vị trong thời gian tới. Nếu DN này bán cổ phần cho DN kia thì sẽ tích hợp với những lĩnh vực thế mạnh của DN kia đang có, ngược lại sẽ giải tỏa được những vấn đề yếu kém hiện nay DN còn vướng", ông Trần Kim Chung cho biết.

Theo ông Lê Thành Ân – Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh, gần đây, các phái đoàn thương mại từ Hoa Kỳ liên tục đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, dịch vụ và công nghệ. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định những lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và cơ sở hạ tầng… ưu tiên để phát triển kinh tế và trở thành một quốc gia công nghiệp. Các DN Hoa Kỳ có rất nhiều kinh nghiệm, công nghệ và vốn trong các lĩnh vực này nên đây là cơ hội lớn để xúc tiến trao đổi thương mại và đầu tư trực tiếp vào Việt Nam .

Ông Lê Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng đại diện cơ quan đại diện Bộ Công thương tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, dù tình hình kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn phức tạp, bản thân các DN cần chủ động tìm kiếm hướng đi cho mình, cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đa dạng hóa các nguồn lực để phục vụ sản xuất kinh doanh như thông qua hoạt động phát hành trái phiếu của công ty… Về thị trường, tìm kiếm và mở rộng một số thị trường trong nước và ngoài nước, tham gia cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hoặc các DN ký kết thỏa thuận hợp tác để tiêu thụ những sản phẩm của nhau, thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, khơi thông đầu ra cho thị trường trong nước, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu…

VIỆT ÂU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết