25/05/2009 - 21:14

Cúm A (H1N1) nguy hiểm hơn cúm gia cầm?

Người dân Hàn Quốc chủ động phòng ngừa cúm A (H1N1) với khẩu trang y tế khi số ca nhiễm ở nước này tăng lên 22 người hôm 25-5.
Ảnh: AP

Xuất hiện chỉ mới hơn một tháng nhưng cúm A (H1N1) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là có nguy cơ cao gây ra đại dịch toàn cầu. Khống chế sự lây lan của nó hiện không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà đã trở thành nhiệm vụ chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, cúm A (H1N1) có thật sự nguy hiểm như chúng ta lo ngại không, khi mà cúm gia cầm bùng phát định kỳ trong hơn 1 thập kỷ qua vẫn chưa gây ra đại dịch?

Trước hết, vi-rút H1N1 “cao cơ” hơn vi-rút cúm gia cầm ở khả năng lây truyền từ người sang người. Theo nghiên cứu công bố cuối tuần qua của các nhà khoa học Anh và Mỹ, ở nhiệt độ 320C (nhiệt độ trong mũi chúng ta), vi-rút cúm gia cầm bị suy giảm khả năng lây từ người này sang người khác. Nói cách khác, mũi người chỉ khi ở trong môi trường khí hậu quá lạnh mới tạo điều kiện cho vi-rút cúm gia cầm phát tán.

Nhận định trên có luôn luôn đúng hay không thì chưa chắc, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng đột biến gien quan trọng sẽ phải xảy ra ở vi-rút cúm gia cầm trước khi chúng trở thành hiểm họa đại dịch toàn cầu. Theo bác sĩ William Schaffner ở Đại học Vanderbilt (Mỹ), nghiên cứu trên đưa ra một lý do nữa giải thích vì sao vi-rút cúm gia cầm hiện không dễ lây truyền ở người – dấu hiệu quan trọng để nâng mức độ cảnh báo đại dịch.

Kế đến, vi-rút cúm A (H1N1) vượt trội hơn vi-rút cúm gia cầm về khả năng phát dịch. Theo thống kê của WHO, từ khi cúm gia cầm xuất hiện trở lại vào năm 2003, đến nay chỉ có 423 ca mắc bệnh được báo cáo – trung bình 60 ca mỗi năm trên toàn thế giới. Hầu hết xảy ra sau khi nạn nhân tiếp xúc với gia cầm sống. Vài trường hợp đang bị nghi ngờ là do tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Và trong hầu hết các trường hợp, tình trạng lây truyền được khống chế thành công bằng cách tiêu hủy gia cầm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên thiếu cảnh giác trước cúm gia cầm vì nguy cơ gây tử vong của nó. Một khi thâm nhập vào cơ thể, vi-rút cúm gia cầm sinh sôi nhanh đến nỗi thường làm người bệnh mê man và dễ dẫn tới tử vong do suy hô hấp cấp. 6 năm qua, trên thế giới đã có 258 bệnh nhân thiệt mạng vì cúm gia cầm – chiếm hơn 60% số ca bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu, những chủng vi-rút không bị tác động bởi môi trường khí hậu lạnh có nhiều khả năng “sinh chuyện” hơn. Cúm A (H1N1) là một điển hình, nó có khả năng sinh sôi ở nhiều trạng thái nhiệt độ khác nhau – chính điều này lý giải vì sao nó lây lan nhanh hơn. Cho tới nay, có hơn 12.000 người ở 43 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nhiễm vi-rút H1N1, trong đó 90 ca đã tử vong. Mặc dù chủng vi-rút cúm này gây bệnh ở dạng nhẹ nhưng một khi vi-rút bị đột biến gien, độc lực gia tăng và nó có thể trở nên tàn khốc.

Bởi thế, tuy vi-rút cúm gia cầm vẫn chưa được phát hiện biến đổi sang dạng có thể truyền sang người, nhưng không có nghĩa là nó không còn nguy hiểm. Trong khi đó, hiện thời vi-rút H1N1 có nguy cơ phát triển thành đại dịch cao hơn. WHO cảnh báo thế giới phải sẵn sàng đối phó với nguy cơ cúm A (H1N1) bùng phát thành đại dịch, thậm chí biến thể sang một chủng nguy hiểm hơn, có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Tổng Giám đốc Margaret Chan cho rằng các nước phải tính tới khả năng sẽ có nhiều người nhiễm cúm A (H1N1) với mức độ nguy hiểm hơn khi chủng vi-rút này lây lan và phát tán giữa các cộng đồng.

HỒNG ĐĂNG (Theo ABC)

Chia sẻ bài viết