29/11/2021 - 20:41

Cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết 

Hiện nay, ngoài việc bám sát diễn biến thị trường, kết nối cung - cầu, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các địa phương cũng đang chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. Tại TP Cần Thơ, ước tổng giá trị dự trữ hàng hóa trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 hơn 5.970 tỉ đồng, với sự tham gia của 32 đơn vị.

Hàng hóa nông sản của TP Cần Thơ trên kệ hàng của Siêu thị GO! Cần Thơ. 

Chủ động

Ngày 12-11-2021, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (Chỉ thị số 12). Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2021, Tết Nguyên đán 2022, ứng phó với các tình huống dịch COVID-19, ước tổng giá trị dự trữ hàng hóa trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 tại thành phố hơn 5.970 tỉ đồng, với sự tham gia của 32 đơn vị. Việc tổ chức kinh doanh hàng hóa tại các điểm bán hàng cố định của doanh nghiệp; liên kết hợp tác để phát triển mạng lưới phân phối. Ðồng thời, huy động doanh nghiệp đăng ký mở thêm các điểm bán hàng bình ổn gần các khu dân cư, khu công nghiệp, khu vực nông thôn. Doanh nghiệp chủ động xây dựng chương trình khuyến mại; kết hợp với dịch vụ cung ứng thương mại điện tử để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, liên kết dịch vụ giao hàng công nghệ để phục vụ nhanh chóng nhu cầu người dân, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. 

Hiện nay các đơn vị cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. Ðảm bảo nguồn hàng đầy đủ, chất lượng tốt, giá bình ổn. Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Siêu thị GO! Cần Thơ, cho biết, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán, GO! Cần Thơ đã dự trữ hàng hóa với tổng giá trị khoảng 160 tỉ đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, siêu thị cũng xây dựng các phương án kinh doanh ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 như: đẩy mạnh bán hàng online, bố trí các điểm bán phù hợp chống dịch,… đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất.

Khởi động cho mùa mua sắm cuối năm, từ ngày 1-12-2021 đến ngày 1-1-2022, diễn ra Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021”. Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì với sự phối hợp của các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các thương nhân, tổ chức và cá nhân có liên quan, các cơ quan, đơn vị truyền thông. Chương trình được tổ chức trên phạm vi toàn quốc theo hình thức thương mại truyền thống và thương mại điện tử, hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.

Tăng cường kết nối và kiểm soát thị trường

Sở công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu. Các tỉnh, thành phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,…) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ, lồng ghép thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Tại TP Cần Thơ, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức các buổi hội thảo kết nối nông sản giữa siêu thị và các hợp tác xã; đồng thời cùng nhà phân phối đi khảo sát thực tế để khảo sát vùng nuôi trồng của các hợp tác xã. Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, ngành Công Thương đang tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường kết nối các sản phẩm hàng hóa nông sản của bà con địa phương đưa vào chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Thành công bước đầu, hiện nay sản phẩm thịt heo, cam sành, xoài, rau xanh… nuôi trồng tại địa phương đã có mặt tại các siêu thị.

Sở công thương các tỉnh, thành phố đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường. Hướng dẫn các chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân.

Hiên nay Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại. Ðặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, thuốc chữa bệnh. 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết