01/10/2018 - 20:53

Triển vọng tăng trưởng cao 

Năm 2018, với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng sự đồng tình của nhân dân, tình hình kinh tế- xã hội  nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc gia...

Tín hiệu lạc quan

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 đạt 6,81%, còn năm nay ước đạt từ 6,7% trở lên. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 5.555 nghìn tỉ đồng, tương đương 240,5 tỉ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng 155 USD so với năm 2017. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu, hiện đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng, ước đạt 55%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu bình quân 5 năm được Quốc hội giao. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm (2016-2018), chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, CPI bình quân năm 2016 là 2,66%, năm 2017 là 3,53% và 8 tháng năm 2018 là 3,52%, ước cả năm 2018 đạt mục tiêu dưới 4%.

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui ở TP Cần Thơ.

Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, động lực tăng trưởng kinh tế đến cả từ phía cung và phía cầu, trong đó đáng chú ý là sự phát triển toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực, với nhiều nhân tố mới cùng vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tăng trưởng lĩnh vực chế biến, chế tạo liên tục ở mức cao những năm qua, năm 2016 tăng 11,9%, năm 2017 tăng 14,4%, 6 tháng năm 2018 tăng 13,02% và ước cả năm nay tăng 12,46%. Lĩnh vực này đã trở thành động lực dẫn dắt cả khu vực công nghiệp và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, tài nguyên. Năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản cũng tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt hơn 3,3%, là mức cao nhất kể từ năm 2016. Đó là nhờ những chuyển biến hiệu quả của quá trình cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất và sản phẩm, gắn liền với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng vượt mốc kỷ lục năm 2017, ước cả năm nay đạt 475 tỉ USD, tăng 11,7%, trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỉ USD, tăng 11,2%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (7-8%), với cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỉ USD.

Để hoàn thành mục tiêu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, nước ta dự kiến hoàn thành toàn diện tất cả 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội được Quốc hội giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Đặc biệt, tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt khoảng 6,7% và dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn khi những nỗ lực, giải pháp ở các tháng cuối năm tiếp tục được duy trì hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2018 là năm có tính chất bản lề, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá, nhìn lại khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm. Qua nửa chặng đường, tình hình và các dự báo chung là rất tốt. Tốc độ tăng trưởng tương đối cao và khả năng đạt được mục tiêu Quốc hội giao ở mức cao (từ 6,5-6,7%). Từ nay đến cuối năm, cần nỗ lực phấn đấu để đạt ở mức cao nhất, có thể là trên 6,7%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng còn lại, Bộ tham mưu Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, không chủ quan, lơ là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm vào đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 01/NQ-CP. Kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của lĩnh vực tư nhân, các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia. Đẩy mạnh triển khai hoạt động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Năm 2019, trong bức tranh chung, dự báo xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức; trong đó, lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng. Nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ tình hình để có điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, cần nhận diện cho được những khó khăn, thách thức của cả nền kinh tế và từng địa phương, cũng như nhận diện được các cơ hội của mình để kịp thời nắm bắt, hiện thực hóa, đem lại sự phát triển chung cho kinh tế đất nước và các địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cảng Cái Cui