13/09/2017 - 21:09

Thới Lai chủ động bảo vệ, phát triển sản xuất nông nghiệp 

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các hoạt  động sản xuất nông nghiệp ở huyện Thới Lai vẫn được duy trì và phát triển khá tốt. Huyện Thới Lai đã tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chủ động bảo vệ sản xuất…

Nạo vét kênh mương thủy lợi tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai.

Thu hoạch rộ vụ lúa thu đông

Huyện Thới Lai là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa đứng hàng đầu của TP Cần Thơ. Vụ lúa thu đông năm 2017 (vụ lúa thứ 3 trong năm) toàn huyện Thới Lai xuống giống  là 18.138,9 ha, đạt 103,82 % kế hoạch. Trong đó, cơ cấu giống lúa chủ yếu tập trung vào các giống chất lượng cao (như: OM 5451, OM4218…), với tỷ lệ chiếm hơn 62% trên tổng diện tích lúa trong vụ.

Thực hiện các chủ trương và chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện Thới Lai, Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai đã  phối hợp các ban ngành và địa phương tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất các loại lúa gạo chất lượng cao, các mô hình “cánh đồng lớn” và đẩy mạnh  cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Qua đó, tăng năng suất và lợi nhuận trên 1ha đất sản xuất của huyện Thới Lai nói riêng và góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến ngày 8-9, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được hơn 12.153 ha lúa thu đông, đạt  hơn 67% diện tích, với năng suất lúa bình quân 6,16 tấn/ha,  cao hơn 0,78 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng đạt  hơn 74.866 tấn. Trong đó, diện tích lúa  trong các mô hình “cánh đồng lớn” hiện thu hoạch được 2.650 ha/6.523 ha, năng suất bình quân là 6,26 tấn/ha, sản lượng đạt 16.589 tấn. Dự kiến khoảng 20-9, nông dân  trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch dứt điểm các diện tích lúa thu đông 2017.

Nhìn chung, vụ thu đông năm nay, lúa không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán lúa của nhiều nông dân cũng cao hơn từ 250-500 đồng/kg so với cùng kỳ,  bà con khá phấn khởi. Ông  Huỳnh Việt Hải, ngụ ấp Thới Phong, xã Xuân Thắng, cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha lúa, vụ này sạ giống OM 5451. Tôi đã thu hoạch được 50% diện tích, năng suất đạt 800 kg/công (tầm lớn), với giá bán 5.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời trên 1,5 triệu đồng/công lúa trong vụ này. Lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí”. 

Theo bà Lê Kim Ngân, ở xã Trường Thắng, hiện các diện tích lúa thu đông 2017 của gia đình bà và phần lớn hộ dân tại xã Trường Thắng cũng đã được thu hoạch, không lo bị nước lũ đe dọa gây thiệt hại. Lúa được thu hoạch bằng máy với chi phí khá rẻ, chỉ ở mức trên dưới 280.000 đồng/công. Các cấp chính quyền đã quan tâm hỗ trợ nông dân gia cố đê bao và nạo vét kịp thời các kênh thủy lợi, giúp tiêu thoát nước nhanh chóng cho các ruộng lúa sau mưa, nông dân  dễ dàng thu hoạch lúa bằng máy.

Chủ động bảo vệ sản xuất

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, để sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2017, ngành nông nghiệp huyện đã sớm chủ động  lên lịch xuống giống tập trung, đồng loạt  né rầy và né lũ dựa vào điều kiện thực tế từng khu vực.

Những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ về sớm như:  xã Tân Thạnh, Thới Thạnh, Định Môn… thì tập trung khuyến cáo nông dân xuống giống sớm. Các khu vực ít bị ảnh hưởng lũ (như: xã Đông Bình, Đông Thuận, Trường Xuân, Trường Xuân A, Trường Xuân B…) có thể xuống giống trễ hơn vào đợt 2. Đồng thời, thực hiện đóng, mở các hệ thống cống đập ngăn thủy triều và nước lũ phù hợp để đảm bảo diện tích lúa và cây màu, cây ăn trái không bị thiệt hại. Ngành nông nghiệp huyện cũng quan tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn để hỗ trợ nông dân liên hệ với các chủ máy gặt đập liên hợp đảm bảo máy và phương tiện thu hoạch lúa nhanh gọn kịp thời, tránh lúa chín để trên đồng quá lâu có nguy cơ đổ ngã, thất thoát. Chủ động tham mưu UBND huyện và tích cực phối hợp các ban ngành, địa phương mời gọi các công ty, doanh nghiệp hợp tác, bao tiêu sản phẩm nông dân. Vụ lúa thu đông 2017, có 1.239 ha lúa của nông dân được các doanh nghiệp bao tiêu.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, hằng năm ngành nông nghiệp huyện đều chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, cây màu, cải tạo vườn tạp… cho cả các mùa vụ trong năm từ khá sớm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch nạo vét kênh thủy lợi tạo nguồn, nội đồng đảm bảo đủ lượng nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, kết hợp gia cố hệ thông đê bao để bảo vệ sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để  người dân vận chuyển, buôn bán các loại hàng hóa và vật tư, máy móc phục vụ sản xuất. Từ đầu năm đến nay, huyện Thới Lai đã triển khai thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng 32 công trình thủy lợi tạo nguồn, với tổng kinh phí hơn 19,86 tỉ đồng, phục vụ cho hơn 10.100 ha đất sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng vận động nhân dân nạo vét 11 công trình thủy lợi nội đồng,  với kinh phí 380 triệu đồng, phục vụ 345 ha sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh tổ chức thu hoạch tốt các diện tích lúa thu đông còn lại và chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018, hiện huyện Thới Lai cũng xây dựng các phương án, kế hoạch chủ động bảo vệ các diện tích trồng rau màu và cây ăn trái trên địa bàn trong mùa lũ. Đầu năm đến nay, nông dân huyện Thới Lai đã gieo trồng được hơn 2.522 ha rau màu các loại và đã thu hoạch được hơn 1.941 ha, với sản lượng hơn 26.841 tấn. Huyện Thới Lai cũng có hơn 1.902 ha vườn cây, trong đó có hơn 976 ha vườn cây ăn trái đang cho hiệu quả kinh tế, hơn 753 ha mới trồng, còn lại là các diện tích vườn tạp kém hiệu quả. Qua 8 tháng đầu năm, huyện đã tiến hành vận động nhân dân cải tạo được hơn 220 ha vườn, đạt 183,64% kế hoạch.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết