06/09/2009 - 20:20

"Sức nóng" trên thị trường chứng khoán...

Thị trường chứng khoán đang thu hút nhiều nhà đầu tư trở lại sàn giao dịch.
Trong ảnh: Một điểm đại lý nhận lệnh chứng khoán tại TP Cần Thơ.

Mặc dù vừa trải qua liên tiếp 2 phiên giảm điểm, nhưng kết thúc tuần giao dịch (từ ngày 31-8-2009 đến ngày 4-9-2009) thị trường chứng khoán tập trung vẫn trong xu hướng giao dịch khá sôi động. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh tiếp tục tăng mạnh, nghiêng hẳn về bên mua trước sự tăng trưởng tốt của hàng loạt cổ phiếu và sự kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục duy trì tốt trong các tuần giao dịch tới...

GIA TĂNG KHỐI LƯỢNG GIAO DỊCH

Từ ngày 31-8-2009 đến ngày 4-9-2009, VN-Index kết thúc một tuần giao dịch với mức điểm tăng nhẹ, kéo dài chuỗi tuần tăng điểm của thị trường sang tuần thứ 7 liên tiếp. Trên sàn chứng khoán TPHCM, VN-Index dừng lại ở mốc 528,49 điểm và tăng 1,45 điểm, tương đương tăng 0,27% so với phiên ngày 28-8-2009. Trong tuần, thị trường có 4 phiên giao dịch. Trong đó, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 (ngày 1-9) đã đánh dấu đỉnh cao nhất của VN-Index trong khoảng 1 năm qua khi vọt lên ngưỡng 547,69 điểm.

Tuy sức ép bán ra rất lớn ở một vài phiên cuối tuần, nhưng lực cầu tương đối mạnh đã khiến cho thanh khoản của thị trường luôn ở mức cao. Trong tuần qua, mặc dù thị trường chỉ diễn ra 4 phiên giao dịch, nhưng lượng giao dịch cũng đạt trên 295,08 triệu đơn vị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương đương tổng giá trị giao dịch 12.286 tỉ đồng. Dòng tiền đổ vào chứng khoán tiếp tục tăng mạnh khi cả khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng lần lượt ở mức 3,52 triệu đơn vị và tăng 79,5 tỉ đồng so với tuần giao dịch diễn ra từ ngày 24 đến ngày 28-8-2009. Tính trung bình mỗi phiên giao dịch có trên 73,77 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, tương ứng với giá trị giao dịch 3.071,5 tỉ đồng.

Trước áp lực bán ra chốt lời diễn ra khá mạnh của nhà đầu tư, nhất là nhóm cổ phiếu blue-chips (do các công ty lớn phát hành) sau nhiều tuần tích lũy giá trị liên tiếp, nên đã đồng loạt quay đầu rớt giá mạnh. Trong đó, nhóm 5 mã cổ phiếu giảm giá nhiều nhất trong tuần có VNM giảm 7.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 149.000 đồng/cổ phiếu, kế đến là PAC giảm 5.000 đồng/cổ phiếu xuống 82.000 đồng/cổ phiếu, BMP, DPR và SSC cùng giảm 4.000 đồng/cổ phiếu xuống lần lượt là: 86.000 đồng/cổ phiếu, 58.500 đồng/cổ phiếu và 53.000 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu khác như: VIC, PVF, DPM, PVD, HPG, BVH, PPC, CTG, VCB... giảm giá 1.100-3.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận nỗ lực bứt phá của một số mã cổ phiếu lớn trong tuần như: DHG với mức tăng 18.000 đồng/cổ phiếu lên 159.000 đồng/cổ phiếu, SJS tăng 12.000 đồng/cổ phiếu lên 164.000 đồng/cổ phiếu, SC5 tăng 9.500 đồng/cổ phiếu lên 58.000 đồng/cổ phiếu, HAG tăng 8.000 đồng/cổ phiếu lên 100.000 đồng/cổ phiếu... Giao dịch tập trung nhiều nhất ở các mã STB, SSI, VFM, VF1, SBT, PVT với khối lượng đạt 8,07-25,8 triệu đơn vị/cổ phiếu...

Theo phân tích của giới chuyên môn, thị trường chứng khoán đang đứng trước một đợt điều chỉnh, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên sàn TPHCM. Tổng giá trị mua ròng trong 4 phiên giao dịch tuần qua của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,51 tỉ đồng. Tuy nhiên, họ vẫn bán ra nhiều hơn với khối lượng tăng gần 2 triệu đơn vị. Tuần qua, đã có trên 16,12 triệu đơn vị được nhà đầu tư mua với giá trị đạt 1.054 tỉ đồng. Tổng khối lượng bán ra đạt trên 18,04 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 1.026 tỉ đồng. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục cơ cấu lại danh mục khi chú trọng đầu tư vào những mã chứng khoán có giá trị lớn.

Tuần qua, sau 4 phiên giao dịch, HNX-Index trên sàn Hà Nội có 2 phiên tăng điểm và 2 phiên cuối tuần sụt giảm. HNX-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 166,92 điểm, giảm nhẹ 0,72 điểm, tương đương giảm 0,43% so với phiên ngày 28-8-2009. Giao dịch vẫn tiếp tục sôi động với tổng khối lượng đạt trên 150,3 triệu đơn vị cổ phiếu được trao tay, tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt gần 5.284,6 tỉ đồng. Tính trung bình, mỗi phiên giao dịch có trên 37,57 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng giá trị 1.321,15 tỉ đồng. Xu hướng tăng giá nhiều nhất trong tuần vẫn thuộc về các mã chủ chốt như: TMC tăng 13.200 đồng/cổ phiếu lên 56.400 đồng/cổ phiếu, MMC tăng 8.000 đồng/cổ phiếu lên 60.900 đồng/cổ phiếu, BVS và VMC cùng tăng 7.500 đồng/cổ phiếu lên 70.300 đồng/cổ phiếu và 50.400 đồng/cổ phiếu... Trên sàn Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng với khối lượng đạt gần 5.164 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch trên 215,73 tỉ đồng. Khối lượng cổ phiếu bán ra đạt trên 3.605 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 150,54 tỉ đồng.

NHIỀU TÍN HIỆU KHẢ QUAN

Theo đánh giá của Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS), trong các phiên đầu tuần, dòng tiền luân phiên di chuyển giữa các nhóm cổ phiếu có thị giá nhỏ. Các nhóm cổ phiếu có mức giá 15.000-30.000 đồng/cổ phiếu được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng và giao dịch mạnh. Thị trường liên tiếp đón nhận những đợt sóng cổ phiếu thuộc các nhóm ngành thép, vận tải, mía đường và đặt biệt là sự bật lên mạnh mẽ của các cổ phiếu thuộc ngành thủy sản và xuất khẩu.

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng mạnh trên một số thị trường như thị trường Mỹ và các nước châu Mỹ với khối lượng xuất khẩu tăng trên 20% và giá trị tăng 6-8% so với cùng kỳ năm 2008. Thị trường Trung Quốc (kể cả Hồng Công) có sự tăng trưởng khá (tăng 17,54% về khối lượng và 19,49% về giá trị). Điểm nổi bật là mặt hàng tôm (cả tôm đông lạnh và chế biến) trở lại vị trí số một với khối lượng xuất khẩu là 95,4 ngàn tấn, tăng 4,64%. Đứng thứ hai trong thị trường xuất khẩu là cá tra, basa với khối lượng xuất khẩu 324,38 ngàn tấn, đạt giá trị 733,17 triệu USD. Mặt hàng này vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt ở khối thị trường EU, Mỹ. Các thị trường khác như châu Á và châu Mỹ cũng có những dấu hiệu tích cực, tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị.

Từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng khá ổn định. Dòng tiền đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau liên tục được rót mạnh vào chứng khoán ngay cả những phiên điều chỉnh đi xuống. Thị trường luôn có sự cân đối giữa cung và cầu, hiện tượng trống một bên trên bảng điện tử đã không còn xuất hiện như các đợt sóng trong tháng 5, tháng 6 trước đây. Và ngay trong những phiên thị trường giảm điểm, nhà đầu tư vẫn tìm kiếm được lợi nhuận do thị trường luôn có các mã tăng, giảm đan xen nhau.

Hiện nay, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ tốt bởi các yếu tố tích cực như sự kỳ vọng sẽ có gói kích cầu thứ hai để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn. Ngoài ra, thông tin về giữ nguyên lãi suất cơ bản và giữ nguyên tăng trưởng tín dụng ở mức 30% của Ngân hàng Nhà nước, cùng với sự tăng mạnh chỉ số công nghiệp tháng 8 so với tháng trước đó... là những động lực mới cho nhà đầu tư có niềm tin vào diễn biến tốt hơn của thị trường. Thị trường chứng khoán sẽ lành mạnh hơn khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) yêu cầu các công ty chứng khoán không cho khách hàng vay cổ phiếu để bán, nên hoạt động bán khống sẽ được kiểm soát tốt hơn bắt đầu từ tháng 9.

Tuy nhiên, những biến động từ thị trường thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục sẽ có ảnh hưởng đến kỳ vọng của nhà đầu tư về sự hồi phục của kinh tế thế giới. Sự điều chỉnh mạnh, nếu có, của các thị trường này có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam trong những giai đoạn không có thông tin vĩ mô tích cực trong nước hỗ trợ. Do đó, khả năng tăng điểm trong tháng 9 sẽ tạo cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư có thể tái cơ cấu danh mục khi mua vào các cổ phiếu tốt trong những phiên điều chỉnh để đón đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2009.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Thị trường chứng khoán đang thu hút nhiều nhà đầu tư trở lại sàn giao dịch. Trong ảnh: Một điểm đ̐

Chia sẻ bài viết