10/07/2016 - 17:04

GIẢI PHÁP KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG CHO ĐBSCL

Trong tiến trình thực hiện chương trình "Quốc gia khởi nghiệp", việc thúc đẩy khởi nghiệp tại khu vực ĐBSCL mang tính cấp thiết, có tính quyết định đến tiềm năng phát triển kinh tế lâu dài của cả vùng và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trước thềm hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, làn sóng khởi nghiệp của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

* Cấp thiết thúc đẩy khởi nghiệp

ĐBSCL hiện có gần 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp cả nước và tăng trưởng bình quân hằng năm 10%, bằng ½ tốc độ tăng trung bình của cả nước. Với xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, nền nông nghiệp của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nông sản trong nước và hàng ngoại nhập chất lượng cao; chi phí sản xuất tăng cao cùng những rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Hơn nữa, 90% doanh nghiệp thuộc về nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với những hạn chế về trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực để có thể bắt kịp những tiến trình đổi mới của nền kinh tế và phát triển kinh doanh bền vững. Do đó, để tận dụng và khai thác tối đa nguồn nhân lực dư thừa, "Quốc gia khởi nghiệp" trở thành một giải pháp hữu hiệu cho nền kinh tế khu vực ĐBSCL. Chia sẻ về quá trình phát triển ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp, anh Đỗ Văn Mừng chủ cơ sở khoai lang cắt lát 8 Mập, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - cơ sở hoạt động được hơn 1 năm, cho biết: "Trước khi cơ sở hoạt động trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm làm từ khoai lang, nên tôi chủ động tìm hiểu và nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm khác biệt, đó là snack (thức ăn nhẹ) khoai lang với độ phồng giòn cao. Khi sản phẩm ra thị trường nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và lên kế hoạch mở rộng sản xuất. Nhờ tiếp cận được các nguồn hỗ trợ từ dự án, ươm tạo, xúc tiến thương mại… hàng hóa dễ dàng được thị trường chấp nhận, cơ sở đã nhận được nhiều đơn hàng hơn".

Các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi. Trong ảnh: Đồng chí Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thăm quan KVIP.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội. Tuy vậy, số người có trình độ chuyên môn rơi vào thất nghiệp tăng cao, cho thấy khả năng tận dụng và khai thác nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của vùng ĐBSCL luôn cao hơn cả nước. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực. Đó là, khu vực ĐBSCL chiếm 13% diện tích cả nước, 19% dân số nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước. Đây cũng chính là một trong những tác nhân quan trọng lý giải cho tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của vùng luôn ở mức cao. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho rằng: "Vấn đề khó khăn nhất đang đè nặng lên nền kinh tế của vùng ĐBSCL là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến ngành sản xuất nông nghiệp (kinh tế chủ lực của vùng) thường xuyên phải chịu ảnh hưởng. Điều này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động rất mạnh, đó là nguồn lao động từ nông thôn đổ về các đô thị kiếm việc làm sẽ nhiều hơn, tạo sức ép về di cư lao động. DNNVV và doanh nghiệp mới thành lập không có đủ nguồn lực, khả năng và thông tin để tiếp cận các nguồn vốn, tư vấn quản lý – kỹ thuật hoặc các dịch vụ công nghệ. Các ngành mới, tiềm năng chưa tìm được nguồn đầu tư phát triển hợp lý. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong những năm trở lại đây có tỷ trọng giảm so với bình quân cả nước và không có nhiều doanh nghiệp dẫn đắt về khoa học, công nghệ. Vấn đề đặt ra cho cả vùng là tìm cách ứng phó biến đổi khí hậu, tối đa hóa hiệu quả sử dụng lao động.".

* Thực trạng và giải pháp

Trong những năm trở lại đây, nhiều địa phương, tổ chức đã đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp qua sự xuất hiện của các vườn ươm doanh nghiệp như: Vườn ươm Doanh nghiệp Đại học Cần Thơ, Vườn ươm Doanh nghiệp Sóc Trăng (SBI) và Vườn ươm Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP). Đặc biệt, Bến Tre là tỉnh duy nhất đưa nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp vào chương trình hoạt động chính thức của tỉnh mang tên "Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp". Điểm nhấn của chương trình là việc thành lập các tổ chức hỗ trợ trực tiếp khởi sự doanh nghiệp gồm: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp và quỹ hợp tác công tư. Nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp, nhiều địa phương, tổ chức đã đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp. Chẳng hạn như tỉnh Hậu Giang và Long An có các chương trình chuyên môn liên quan đến khởi sự doanh nghiệp cho cộng đồng dân cư trên địa bàn (các tầng lớp thanh niên, cá nhân, tổ chức có ý tưởng kinh doanh) như lớp học quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp… Tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh thực hiện chương trình truyền hình khởi nghiệp định kỳ 2 số/tháng với mục tiêu giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công đến cộng đồng và quảng bá môi trường kinh doanh của tỉnh. Từ các trường đại học, hiện nay hoạt động khuyến khích và khơi gợi khởi nghiệp cũng nhận được sự hưởng ứng. Các mô hình ươm tạo doanh nghiệp trong khu vực cũng được chú trọng.

Các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ diễn ra phong phú với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực. Trong đó tập trung chủ yếu ở một số ngành, lĩnh vực kinh doanh tiềm năng như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, khoa học và công nghệ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "TP Cần Thơ xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp. Đây cũng là đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ đầy sáng tạo lập nghiệp làm giàu cho chính mình và đóng góp vào sự thịnh vượng của thành phố. Tuy nhiên, các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ tập trung ở những ngành nghề dễ gia nhập thị trường, hoạt động khởi nghiệp giàu tính đam mê nhưng lại thiếu tính cơ bản cần thiết cho khởi nghiệp như kỹ năng quảng bá sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính dự báo rủi ro,… nhất là khó khăn tìm kiếm các nguồn hỗ trợ. Nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, thời gian tới thành phố triển khai các giải pháp như: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại; tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên các hiệp định về hợp tác kinh tế thế giới; hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp; đẩy mạnh khởi nghiệp từ nội bộ doanh nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh, thuận lợi, ổn định, an toàn…".

Theo phân tích của VCCI Cần Thơ, những trở ngại chính cho quá trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL, đó là: Do đặc thù nền kinh tế vùng từ lâu dựa chủ yếu vào nông nghiệp nên yếu tố rủi ro thời vụ cao, hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp truyền thống cũng thấp; người dân đồng bằng còn thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh; pháp lý chưa rõ ràng, đầy đủ làm nhiều người muốn khởi nghiệp chưa mạnh dạn sáng tạo, các nhà đầu tư cũng không an tâm rót vốn làm chậm làn sóng khởi nghiệp trong khu vực… Để tháo gỡ khó khăn, giúp tăng cường cả về chất lượng lẫn số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐBSCL thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cần giải quyết 3 nhóm vấn đề cốt lõi gồm: Đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp từ nhiều khía cạnh; tăng cường sự hỗ trợ về kỹ thuật cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt từ các chuyên gia; các cơ quan, ban ngành cần liên kết trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng như đưa ra những chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trên phương diện vĩ mô.

VCCI xây dựng chương trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL với tên gọi "Mekong Startup" giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2030 nhằm đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp mới, nâng cao sức sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, mục tiêu chính của chương trình là hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016-2017, kết nối các vườn ươm tạo thành mô hình "đô thị khởi nghiệp" tại TP Cần Thơ đến năm 2020. Tạo dựng một lực lượng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến 2020. Giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp. Hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho Vườn ươm Việt Nam – Hàn Quốc, Vườn ươm Đại học Cần Thơ và các khu vườn ươm khác và Hỗ trợ đăng ký 50 bằng sáng chế (sở hữu trí tuệ) trong giai đoạn 2016-2020, 500 bằng giai đoạn 2020-2030.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết