06/04/2018 - 09:43

Định hướng xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu 

Với mong muốn đưa mặt hàng trái cây chủ lực xuất ngoại và nâng cao thu nhập cho nhà vườn, TP Cần Thơ triển khai đề án thí điểm mô hình vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích 700ha trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Theo đó, ngành chức năng thành phố cùng với huyện Phong Điền đang xúc tiến công tác đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi; tổ chức tuyên truyền và định hướng nhà vườn chuyển đổi canh tác cây  ăn trái theo quy trình kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.

Nông dân trong Câu lạc bộ nhãn IDO, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền đang chăm sóc vườn nhãn.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Xã Nhơn Nghĩa hiện có 700ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 477ha vườn chủ yếu trồng nhãn, sầu riêng, măng cụt, cam xoàn… Do đó, việc thành phố chọn xã Nhơn Nghĩa làm điểm triển khai đề án xây dựng vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu sẽ là hướng đi đầy triển vọng, góp phần gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, cái khó của Phong Điền là tuyến giao thông ven sông Cần Thơ (đoạn từ Ba Láng đến Vàm Xáng), chiều dài 7.600 mét trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa thường xảy ra sạt lở, triều cường ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân. Do đó, huyện kiến nghị lãnh đạo UBND TP Cần Thơ xem xét, bố trí vốn hỗ trợ Phong Điền đầu tư tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái kết hợp giao thông nông thôn trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa. Theo ông Nguyễn Văn Sử, nếu tuyến đê bao này được đầu tư khép kín không chỉ giúp xã Nhơn Nghĩa bảo vệ được 700ha vườn cây ăn trái mà còn tạo tiền đề để địa phương tiến tới xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu cho thành phố. Thời gian tới, Phong Điền sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố xác định loại cây trồng chủ lực cho vùng chuyên canh cây ăn trái, phục vụ xuất khẩu. Chẳng hạn, như: định hướng trồng cây nhãn thì cần xác định giống nhãn vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa đáp ứng cả thị trường trong nước và xuất khẩu tránh tình trạng nông dân "trồng rồi chặt, chặt rồi trồng". Điều quan trọng hơn trong việc thực hiện đề án trên là tổ chức kết nối nông dân với doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây để  đầu ra ổn định cho người dân.

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho rằng: Huyện Phong Điền có lợi thế phát triển cây ăn trái từ lâu đời, nhưng nông dân mỗi người làm một kiểu và trồng nhiều loại cây khác nhau chưa theo quy hoạch. Chính vì vậy, định hướng quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu sẽ giúp cho nông dân tiếp cận và canh tác giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, dễ dàng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ được nước và quản lý sâu bệnh hiệu quả... Từ đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn, đăng ký và xây dựng thương hiệu, đầu vào và đầu ra thị trường cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để đề án quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu mang tính khả thi, các ngành chức năng thành phố cần chú trọng công tác phân loại nhóm vườn tạp không hiệu quả, nhóm cây trồng không phù hợp… Trên cơ sở đó thuyết phục, hỗ trợ nông dân cải tạo, chuyển đổi sang trồng cây có tiềm năng xuất khẩu, tạo đột phá trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và  giá trị kinh tế cho nhà vườn.

Ông Phạm Văn Lơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhãn IDO ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, cho biết: Trước đây, nông dân trong Câu lạc bộ nhãn IDO chủ yếu trồng nhãn tiêu da bò, đầu ra thị trường không ổn định. Mặt khác, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp khiến nhà vườn nản lòng. Từ thực trạng này, nhiều nhà vườn ở xã Nhơn Nghĩa hợp tác, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang canh tác cây nhãn IDO. Bước chuyển này góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cây ăn trái, giúp cải thiện thu nhập cho nhiều nhà vườn trong Câu lạc bộ nhãn IDO. Hiện Câu lạc bộ nhãn IDO có 39 thành viên với tổng diện tích 31,5ha chuyên canh nhãn IDO và có 50% diện tích đang cho trái thu hoạch. Theo ước tính với 1ha đất canh tác (cây nhãn IDO có độ tuổi từ 5 năm trở lên) năng suất đạt 20 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với nhãn tiêu da bò. Theo ông Phạm Văn Lơ, cùng với sự năng động chuyển đổi sản xuất của nhiều nhà vườn, việc triển khai xây dựng đề án thí điểm vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích 700ha ở xã Nhơn Nghĩa với mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nhà vườn sẽ tạo động lực thúc đẩy bà con  mạnh dạn chuyển đổi canh tác loại cây ăn trái có giá trị kinh tế. Sự đồng thuận của nhà vườn là một trong những tiêu chí cơ sở để Phong Điền hình thành vùng sản xuất cây ăn trái chất lượng cao, đáp ứng  tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng cung ứng cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết