19/09/2018 - 21:52

Đầu tư mạnh cho phát triển “tam nông” 

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, kinh tế-xã hội khu vực nông thôn của TP Cần Thơ có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng; diện mạo nông thôn chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng lên. Xác định phát triển “tam nông” là nhiệm vụ trọng tâm lâu dài, thành phố đã và đang vận dụng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút tăng các nguồn lực đầu tư...

Lãnh đạo thành phố thăm và tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái đặc sản của nông dân ở quận Bình Thủy.

Tăng đầu tư

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về "tam nông" và 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố đã triển khai thực hiện các công trình trọng điểm như: công trình nạo vét kênh Thốt Nốt, dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn, dự án nạo vét kênh cấp 2 Ô Môn - Xà No, dự án kiểm soát lũ Nam Đòn Dông - Bắc Cái Sắn… Ngoài ra còn triển khai nạo vét kênh nội đồng, củng cố nâng cấp bờ bao, đắp đập thời vụ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát lũ; thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, góp phần đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo định hướng quy hoạch. Giai đoạn 2011-2017, thành phố đã đầu tư 9.392 tỉ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách chiếm 37%, nguồn vốn huy động chiếm đến 63%. Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, chia sẻ: Nhờ các nguồn lực đầu tư cho phát triển tam nông, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển, nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng, công tác thủy lợi kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xây dựng cụm dân cư vùng lũ, phát triển mạng lưới điện, thông tin, truyền thông, đầu tư về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng lên.

Thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thành phố đã phê duyệt danh mục 32 dự án với tổng vốn đầu tư 1.267 tỉ đồng để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, thành phố đang triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững để thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí 323 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, thành phố đã vận dụng triệt để các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mới đây nhất là triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP (ngày 17-4-2018) của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua rà soát, có 7 dự án trong quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đủ điều kiện để xem xét hỗ trợ với mức hỗ trợ dự kiến 14 tỉ đồng/7 dự án; các ngành chức năng và các huyện tiếp tục rà soát điều kiện được hỗ trợ cho các dự án không có tên dự án trong quy hoạch. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng trên địa bàn ưu tiên tập trung vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hằng năm chiếm trên 30% tổng dư nợ.

 Tranh thủ mọi nguồn lực

Thực tế cho thấy, việc huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhu cầu về đầu tư là rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Hơn nữa, điều kiện sản xuất và đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn còn nhiều rủi ro và khó khăn; các cơ chế chính sách chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của dịch hại, thiên tai, biến đổi khí hậu… Sản xuất nông nghiệp của thành phố chưa được đầu tư khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả kinh tế lâu dài.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, khẳng định: Bước sang giai đoạn phát triển mới, thành phố xác định tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư xây dựng mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao có đủ năng lực nghiên cứu, thực nghiệm, trình diễn, sản xuất và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ. Từ đó, tạo ra bước đột phá, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của thành phố chuyển dịch nhanh theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu; từng bước cải thiện thu nhập, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Đối với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, nhìn chung, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày một hoàn thiện, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, trạm cấp nước… Tuy nhiên trên địa bàn huyện vẫn còn một số tiêu chí tuy đã đạt nhưng chất lượng tiêu chí chưa cao, đặc biệt là so với Bộ Tiêu chí Quốc gia và Bộ tiêu chí thành phố về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 còn khá thấp. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và hiện đại. Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư còn yếu. Vì thế, huyện sẽ tranh thủ các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, hệ thống điện, hệ thống giao thông phục vụ cơ giới và vận chuyển sản phẩm phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kho chứa, cơ sở chế biến, bảo quản nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, giai đoạn từ nay đến năm 2020, cần tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn, các nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải… Trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới cần xác định nông dân là chủ thể, là hạt nhân với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời chuyển dần sang phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí mềm, chủ yếu thuộc trách nhiệm của nhân dân phải tự thực hiện như vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Khuyến khích huy động sự đóng góp của người dân phục vụ cho việc quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết