19/05/2024 - 13:23

Người dân miền Tây chúc mừng sinh nhật Bác Hồ 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm sâu nặng đặc biệt với đồng bào miền Nam ruột thịt. Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim của Người. Người nói: "Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ". Ðồng bào miền Nam, đồng bào miền Tây sông nước, cũng luôn dành những tình cảm kính trọng, yêu quý lớn lao nhất với Bác Hồ. Như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu:

"Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha"

Cũng chính từ tình cảm quý trọng đặc biệt ấy, vào các dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, đồng bào từ miền châu thổ Cửu Long luôn có những cách chúc mừng sinh nhật Bác thật đặc biệt, mặc cho giặc kềm kẹp, bố ráp, đe dọa.

Những năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở ÐBSCL rất cam go, khốc liệt. Nhiều tuyến sông, đường bộ then chốt bị giặc đóng đồn bót, quân ta không thể đi lại được, nhất là việc vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm. Vậy là nhiều con kinh được đào thông tuyến, phục vụ cách mạng. Ðào kinh lập công mừng sinh nhật Bác Hồ được nhiều địa phương phát động và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Ở miền Tây, nhiều con kinh, rạch có tên: 19 tháng 5, hoặc Giải Phóng, Chống Mỹ… và phần nhiều trong số đó mang ý nghĩa lập công mừng sinh nhật Bác.

Con kinh Chúc Thọ ở huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang là điển hình như vậy. Từ Ngã ba Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đi hướng quốc lộ 61 sẽ gặp Cầu Móng, từ đây quẹo trái chạy khoảng 8km nữa là đến Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Gần tới khu di tích, du khách sẽ qua cầu Xẻo Xành. Phía bên đây bờ, có cổng chào ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp ven kinh Xẻo Xành và cạnh bên cổng chào có tấm bia lưu niệm. Ðây là công trình mang tên "Chúc thọ Bác". Vào ngày 3-3-1964, con kinh này được Ðảng bộ, quân và dân xã Hòa An tiến hành đào và đặt tên là Kinh Chúc Thọ. Sau 21 ngày đêm nỗ lực đào, với tấm lòng hướng về Bác Hồ, con kinh đã hoàn thành, là quà của bà con vùng căn cứ mừng sinh nhật lần thứ 74 của Bác. Kinh có chiều dài 4.500m, rộng 3m, sâu 1,5m. Trên tuyến kinh này, vào năm 2014, chiếc cầu mang tên cầu Kinh Chúc Thọ đã được khánh thành, với chiều dài 28m, rộng 2,5m.

Ông Tư Thống kể cho thế hệ trẻ nghe về quá trình xây dựng Đền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm và lòng dân Hậu Giang với Bác Hồ.

Ông Tư Thống kể cho thế hệ trẻ nghe về quá trình xây dựng Đền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm và lòng dân Hậu Giang với Bác Hồ. 

Ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, có một con kinh tên là Giải Phóng. Chúng tôi được nghe kể câu chuyện về đào kinh Giải Phóng từ ông Ngô Văn Quang (thường gọi ông Chín Quang, đã qua đời). Ông Chín Quang nguyên là cán bộ Tuyên giáo của xã Trường Lạc những năm 1960 và là nhân chứng lịch sử tham gia đào kinh. Chuyện là khoảng năm 1960, để đưa quân và vận chuyển đạn dược từ xã Trường Lạc ra lộ Vòng Cung, quân ta phải đi vòng qua nhiều kinh, rạch, vừa vất vả lại vừa nguy hiểm. Chi bộ Trường Lạc bàn cách đào con kinh cắt ngang ba con kinh, rạch là: kinh Ðình, rạch Ngã Bát và rạch Trà Luộc để thông kinh Hàng Tràm, tiến ra Lộ Vòng Cung. Năm 1961, vào dịp sinh nhật lần thứ 71 của Bác Hồ, Chi bộ, dân quân và nhân dân Trường Lạc tiến hành đào kinh. Ngay ngày đầu tiến hành, địch phát hiện, đã thảm sát người tham gia đào kinh, có 11 người đã hy sinh ngay tại bờ kinh này. Nén đau thương thành sức mạnh, lấy căm hờn làm ý chí tiến công, bà con tiếp tục đào kinh, hoàn thành và mừng công năm 1961. Con kinh được đặt tên Giải Phóng, nói lên ước mơ, khát vọng hòa bình của bà con Trường Lạc.

***

Ông Lê Văn Thống, tức Tư Thống, ngụ xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao huyện Long Mỹ, là người đã vẽ chân dung Bác từ ảnh của Bác trong tờ giấy bạc Cụ Hồ, để làm lễ truy điệu Người tại xã Lương Tâm vào năm 1969. Gặp ông Tư Thống ở Ðền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm, ông minh mẫn kể nhiều kỷ niệm về lòng dân Hậu Giang dành cho Bác Hồ kính yêu. Ông Tư sống và lớn lên trong gia đình nông dân ở vùng căn cứ kháng chiến. Từ khoảng 1952-1954, gia đình ông thường được các cơ quan, bộ đội về đóng. Ông rất yêu quý bộ đội, thường được các anh, các chú bộ đội dạy hát những bài hát thiếu nhi, ông nhớ nhất là bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng".

Ông Tư Thống nhớ lại, những năm tháng ấy, cứ mỗi lần đến sinh nhật Bác Hồ, mỗi gia đình trang trí ảnh Bác với hoa tươi thật đẹp. Ông rất thích được tham gia đội thiếu nhi đi sinh hoạt ca hát trong những ngày mừng sinh nhật Bác, chọn những bông hoa thật đẹp để đặt bên ảnh của Người. Bên cạnh sự giáo dục của gia đình, của các chú, các anh bộ đội thì tình cảm yêu kính Bác Hồ, lòng tin vào cách mạng của ông Tư bắt đầu từ những ký ức tuổi thiếu nhi như thế, từ những lần mừng sinh nhật Bác đơn sơ mà sâu nặng.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban chủ nhiệm đề tài "Lòng dân Hậu Giang với Bác Hồ" tổ chức hội thảo khoa học. Các tham luận gửi đến hội thảo đã kể nên những câu chuyện thật đẹp về tấm lòng yêu kính của người dân miền đất Hậu Giang với Bác Hồ. Tác giả Hữu Hạnh trong bài "Lòng dân Hậu Giang đối với Bác" in trong kỷ yếu hội thảo, kể: Hằng năm đến ngày sinh nhật Bác, nhân dân Hậu Giang đều làm lễ kỷ niệm. Ở nông thôn, nhà nhà đều có bàn thờ Tổ quốc treo ảnh Bác, ban đêm trống mõ đánh vang dậy.

Còn trong bài "Nhân dân Sóc Trăng với Bác Hồ" in trong kỷ yếu, tác giả Nguyễn Văn Quý kể rằng, tuy sống trong lòng địch, nhưng trái tim và khối óc người dân Sóc Trăng vẫn một lòng hướng về Ðảng và Bác Hồ. Thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Sóc Trăng ngày 4-1-1946. Vì cán bộ bí mật ít, ông được cấp lãnh đạo tỉnh phân công vừa làm chức năng công an, vừa làm chức năng tuyên truyền. Ðể thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ trong lòng địch, ông bí mật chuyển tạp chí kỷ niệm sinh nhật Bác vào các giới trí thức Sóc Trăng. Ông rất bất ngờ khi chính ông Nguyễn Văn Lưu (Tư Lưu), thông phán Sở Bách phần, trực tiếp gặp ông, nói nhỏ: "Cách mạng vừa tặng tôi một tạp chí kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, tôi trao anh xem. Phải ráng hết sức giữ bí mật nhé!".

Trong bài "Mừng sinh nhật Bác" của tác giả Nguyễn Kiệt, cơ quan MTTQ tỉnh Cà Mau, in trong quyển "Tấm lòng Cà Mau với Bác Hồ", kể chuyện một người phụ nữ Cà Mau mừng thọ Bác. Ðó là ngày 16-5-1958, bà Hai - người Hậu Giang, về Bàu Sen (huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau) sinh sống - tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 68 của Bác Hồ. Ảnh Bác Hồ cỡ 6x9cm, được treo trước tấm vách bằng lá chằm, sau tiếng hô nhỏ, dứt khoát: "Nghiêm. Hướng về ảnh Hồ Chủ tịch chào!", mọi người chăm chú nhìn lên ảnh Bác với niềm yêu kính. Lấy cớ tổ chức đám giỗ cha vào ngày 16-5, bà Hai cùng bà con lân cận đều đặn tổ chức mừng sinh nhật Bác Hồ, mặc cho địch dòm ngó, theo dõi. Có năm vừa làm lễ xong, đang tiệc mừng, thì lính dân vệ đồn Nông Trường kéo đến. Bà Hai và bà con mời họ dự tiệc. Ăn uống một hồi thì sực nhớ, có tên hỏi: "Mấy ông, mấy bà có biết hôm nay là ngày gì không?". Mọi người giả bộ ngơ ngác thì một tên khác chen vào: "Gần đến ngày sinh nhật của ông Hồ Chí Minh rồi đó, nên tụi tui phải đi ruồng bố ngăn chặn, nếu không thì mấy cha nội Việt cộng làm mít-tinh mừng ngày sinh nhật chớ chẳng chơi đâu?". Ăn xong, họ kéo đi, mọi người cười thầm vì đang mừng sinh nhật Bác mà họ nào đâu biết.

Cũng trong quyển sách này, bài "Kỷ niệm sinh nhật Bác trước mắt giặc" của tác giả Lê Nam cho thấy tấm lòng của các văn nghệ sĩ thời kháng chiến với Bác Hồ. Ngày 18-5-1955, ông Lê Nam cùng các đồng đội từ Bạc Liêu lên Cần Thơ, xuống Vị Thanh để hội ngộ với Ðoàn Cải lương Lúa Vàng. Ngồi ăn cơm trưa dưới chiếc ghe, cũng là nhà của ông Chín Thạch, Trưởng đoàn, ông Chín đặt vấn đề: "Mai 19-5, mấy anh có ý định gì?". Ðây là vấn đề rất tâm huyết bởi làm thế nào để kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lại tổ chức trên sân khấu, mà sân khấu lại ngay trước cơ quan Phòng Nhì của địch? Sau khi bàn bạc và phân công, ông Chín Thạch là người lo ngoại giao, tranh thủ "bịt mắt" cho được tên sếp Phòng Nhì. Ông Nhơn, một người khác trong nhóm, lo chỉnh lại điệu múa trong vở "Ðồi Tam Hợp" của soạn giả Ðiêu Huyền; ông Mười Nguyên lo tổ chức tiệc; ông Khởi, ông Năm Lài, ông Lê Nam lo truyền đạt kế hoạch cho người trong đoàn và nghe ngóng dư luận.

7 giờ sáng 19-5, nhóm các ông rải ra các quán uống cà phê. Ông Lê Nam kể một câu chuyện cảm động: Ông chủ quán cà phê ăn mặc rất lịch sự, ngay tấm vách giữa quán có treo trang trọng tấm lịch ngày 19-5, phía dưới tấm lịch là một cái bàn nhỏ phủ miếng nylon màu xanh da trời, mặt bàn đặt bình bông, cắm đầy hoa điệp và có một bông hướng dương nhô cao. Khách ngồi uống cà phê, người nào cũng liếc nhìn tấm lịch, bình bông mỉm cười, lộ niềm vui vì ai cũng biết ẩn ý. Ông Lê Nam reo thầm trong bụng: "Trời! Trong vùng kiểm soát của địch, đồng bào ta kỷ niệm ngày 19-5 là như thế!".

Bia lưu niệm kinh Chúc Thọ ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ảnh: DUY KHÔI

Trở lại với buổi diễn, sau phần thi nghi thức, ông Chín Thạch bước ra đứng giữa anh em, mắt hướng về miền Bắc, giọng nho nhỏ nhưng những người trên sân khấu đều nghe được: "Chúng con thành kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi!". Không ai bảo ai, tất cả diễn viên bằng tấm lòng, ánh mắt đều hướng theo hướng đôi mắt của ông. Các nữ diễn viên múa, với những động tác có cải biên, nhưng ai cũng nhận ra đó chính là điệu múa "Chúc thọ Bác Hồ" nổi tiếng. Buổi diễn thành công, nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng, trong đó có cả những cánh tay mặc áo nhà binh.

***

Những câu chuyện này càng tô điểm thêm chân lý Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

----------------

Tài liệu tham khảo:

 "Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lòng dân Hậu Giang với Bác Hồ", Ban chủ nhiệm đề tài, 1990;
 "Tấm lòng Cà Mau với Bác Hồ", nhiều tác giả, NXB Mũi Cà Mau, 2000.

Chia sẻ bài viết