19/05/2024 - 13:06

Lưu ý lựa chọn thức uống đảm bảo sức khỏe trong mùa thi 

Ðể chống lại cơn buồn ngủ, giữ đầu óc tỉnh táo ôn bài trong mùa thi, nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn thức uống “để đầu bàn” là cà phê, trà sữa hay các loại thức uống đóng chai có caffeine. Chưa kể, có bạn trẻ còn bổ sung thêm một số thuốc, thực phẩm chức năng với mong muốn được bổ não, sáng mắt, giúp học đâu nhớ đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, cần cẩn trọng, tiết chế những thói quen trên.

Lạm dụng thức uống chứa nhiều caffeine có thể gây hại cho sức khỏe.

Hoàng Nam, sinh viên năm thứ 3, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ cho biết, áp lực học tập trong chương trình y khoa vốn đã nặng, vào mùa thi càng căng thẳng hơn. Nhiều đêm học bài khuya, cơn buồn ngủ ập đến, Nam thèm lăn ra giường ngủ một giấc tới sáng. Ðể chống lại cơn buồn ngủ, Nam thường dùng các thức uống: cà phê, trà sữa, trà đào, nước tăng lực,… Các thức uống có tác dụng ngay tức thì, đẩy lui cơn buồn ngủ, giúp Nam tỉnh táo hơn, tiếp tục “chinh chiến” vì sự nghiệp học hành. Tuy nhiên, sau 2 tuần học thi, Nam vô cùng uể oải, cạn kiệt năng lượng. Là một sinh viên y khoa, Nam hiểu rõ tác hại của việc sử dụng liên tục các thức uống chứa nhiều caffeine, nhiều đường vào ban đêm, gây rối loạn giấc ngủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Không riêng Hoàng Nam, các bạn trẻ đều công nhận cà phê và các thức uống có caffeine có thể duy trì trạng thái tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, giảm stress trong mùa thi căng thẳng. Tuy nhiên, các bạn cũng lo ngại bệnh đái tháo đường, rối loạn tâm thần do uống quá nhiều và cũng băn khoăn, không biết nên sử dụng liều lượng thế nào cho hợp lý.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến cho học sinh, sinh viên về dinh dưỡng mùa thi, TS Trương Thành Nam, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn vệ sinh thực phẩm, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, cũng đề cập đến những lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng cà phê và các thức uống có caffeine. Trong đó, nhấn mạnh đến việc sử dụng quá liều lượng dẫn đến nhiều tác hại như lệ thuộc vào thức uống, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, thậm chí cơ xương khớp. Người có tiền sử tăng huyết áp còn có nguy cơ gặp phải tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp.

TS Trương Thành Nam lưu ý học sinh, sinh viên bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ mất nước. Khuyến cáo của Viện dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu về nước của người trưởng thành ở khoảng 8-12 đơn vị (một đơn vị tương đương 200ml). Nguồn nước thiết yếu được xem là tốt nhất cho cơ thể chính là nước lọc.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, vừa ngủ dậy hay trước khi đi ngủ, một ly nước ấm đều có thể đem lại nhiều tác dụng tốt, bởi trong khi ngủ cơ thể vẫn tiếp diễn hoạt động trao đổi chất và bài tiết. Tuy nhiên, người có bệnh lý về hệ tiết niệu cần cân nhắc việc bổ sung nước ban đêm. Ðồng thời lưu ý, không nên đợi đến khi cơ thể báo động khát nước mới uống; cũng không nên uống quá nhiều nước, có thể gây ngộ độc nước, rất nguy cho sức khỏe. Bên cạnh nước lọc, nước ép từ trái cây, như dưa hấu, cà chua, ổi,… có hàm lượng đường tự nhiên, nhiều vi chất và vitamin, rất ngon, lành, bổ dưỡng, nhất là hợp túi tiền của sinh viên. Nước còn được bổ sung qua các món canh, súp trong những bữa ăn hằng ngày.

Một số học sinh, sinh viên có thói quen bổ sung nước bằng các sản phẩm đóng chai chứa vi chất nhằm cải thiện năng lượng. Ngoài ra, còn sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng, mong muốn giúp nâng cấp não bộ, sáng mắt, khai thông tâm trí. Theo TS Trương Thành Nam, những loại kể trên có thể thật sự hiệu quả trong trường hợp mắc bệnh lý gây thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cần thiết. Như đối với người bị các rối loạn tâm thần, việc bổ sung thuốc bổ não có tác động lên hệ thần kinh. Tuy nhiên, đối với người bình thường, để có sức khỏe ổn định và lâu dài, việc bổ sung như thế không cần thiết.

Ðể duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh, theo TS Trương Thành Nam, các yếu tố cơ bản, quan trọng nhất vẫn chính là chế độ dinh dưỡng đảm bảo cân bằng và thường xuyên vận động, rèn luyện thể dục thể thao hằng ngày. Ngoài ra, cũng lưu ý rằng, thuốc bổ, thực phẩm chức năng cũng tương tự như thuốc, cần cân nhắc thời gian, thời điểm sử dụng. Việc tùy tiện uống dự phòng, liên tục, trong thời gian dài có thể gây tác hại ngược cho cơ thể.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết