17/05/2024 - 15:50

Kỳ vọng ngành sản xuất của Việt Nam tăng vững chắc trở lại 

(CTO) - Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 4-2024, đưa Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mốc 50,3 điểm, cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại.

Theo báo cáo của S&P Global, sau khi suy giảm dưới ngưỡng 50 vào tháng 3-2024 (Chỉ số PMI đạt 49,9 điểm trong tháng 3-2024), thì Chỉ số PMI đã vượt lên trên 50 điểm, cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đang tốt lên.

Tín hiệu tích cực

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Chỉ số PMI của ngành sản xuất chỉ duy nhất tháng 3 ở dưới ngưỡng 50, còn lại 3 tháng đều trên ngưỡng 50 điểm. Đây là tín hiệu tích cực về sự phục hồi nhẹ của ngành sản xuất do tổng cầu đã tăng trở lại, tạo động lực cho doanh nghiệp. Sự cải thiện PMI trong 4 tháng năm 2024 đã tốt hơn so với năm 2023, Chỉ số PMI chỉ có 2 tháng trên ngưỡng 50 điểm (tháng 2 và tháng 8-2023), trong khi có đến 10 tháng PMI nằm trong vùng suy giảm dưới 50 điểm.

Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trưởng tích cực. Ảnh: M.THANH

Kết quả khảo sát của S&P Global PMI cũng đưa ra đánh giá tích cực trong tháng 4-2024 là số lượng đơn hàng mới tăng trở lại và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8-2022 đến nay. Điểm tích cực nữa là đơn hàng xuất khẩu mới cũng tăng trở lại, dù chỉ tăng nhẹ. Giá bán giảm tháng thứ 2 liên tiếp cũng là nhân tố giúp các nhà sản xuất có số lượng đơn hàng mới tăng. Mức giảm giá lần này là đáng kể nhất trong 9 tháng qua, nên tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4-2024 nhận định, năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại đáng kể so với năm 2022, do các động lực tăng trưởng chính mất đà. Và sản xuất công nghiệp là yếu tố khiến cho tăng trưởng kinh tế chững lại năm 2023, do nhu cầu thị trường sụt giảm, tiêu dùng giảm. Sang quý đầu năm 2024, đà phục hồi của sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại, thị trường đang xoay chiều và cơ hội, rủi ro kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở thế cân bằng. Khu vực công nghiệp đã tăng trưởng 6,3% trong quý I-2024 (quý I-2023 giảm 0,3%), chỉ số PMI dao động quanh mức 50 trong quý đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất còn mong manh.

Song, các chuyên gia WB cũng nhận định, triển vọng của các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc đang có những dấu hiệu tích cực, với nhu cầu hàng hóa tăng là động lực để tăng sản xuất, xuất khẩu cho Việt Nam. Với diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2023 và quý I-2024, WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 5,5% (dự báo trước đó của WB vào tháng 10-2023, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2024).

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD), sự quay trở lại dần của các đơn đặt hàng mới và tiêu dùng đã vực dậy tăng trưởng sản xuất vào cuối năm 2023, xu hướng đơn hàng mới đạt được động lực cao hơn vào năm 2024. Sản xuất tăng trưởng ở mức 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2024, so với mức giảm 0,5% một năm trước, góp phần đưa tăng trưởng công nghiệp tăng 6,3%. ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tăng 6% vào năm 2024 và 6,2% năm 2025.

Các dự báo của WB và ADB cũng cho thấy, với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu làm động lực tăng trưởng như Việt Nam sẽ có những rủi ro từ bên ngoài. Do vậy, Việt Nam cần có những chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước hiệu quả hơn để có thể giảm bớt phụ thuộc vào khu vực FDI.  

Kỳ vọng đà tăng vững chắc

Theo kết quả khảo sát của S&P Global PMI, tháng 4-2024 dù số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng, nhưng nhu cầu vẫn yếu đã khiến các công ty phải giảm việc làm lần đầu tiên trong 3 tháng qua, chủ yếu là cho công nhân nghỉ việc tạm thời. Bình luận về PMI tháng 4, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - Andrew Harker, số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại một cách đáng khích lệ trong tháng 4 sau thời gian yếu kém gần đây. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trở lại có lẽ đã làm các công ty bất ngờ vì họ đã quyết định cho công nhân nghỉ việc sau thời kỳ nhu cầu giảm. Nói rộng hơn, tính chất lên xuống thất thường của số lượng đơn hàng mới gần đây khiến các công ty lo lắng về tương lai.  

Khảo sát của S&P Global PMI cũng ghi nhận, việc giảm việc làm của công nhân cho thấy bất định trên thị trường và khiến niềm tin kinh doanh của các công ty giảm về mức thấp của 3 tháng. Tuy nhiên, các công ty vẫn đặt hy vọng về tình trạng nhu cầu ổn định và tích cực trong những tháng tới đã củng cố lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong vòng 1 năm tới.

Còn theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của WB tháng 4-2024, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo sẽ chững lại còn 4,5% trong năm 2024 (năm 2023 tăng 5,2%) do đà phục hồi yếu đi, nợ công tăng, bất động sản phục hồi chậm… sẽ tác động đến các nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương. Song, năm 2024 thương mại toàn cầu dự kiến phục hồi và điều kiện huy động tài chính được nới lỏng sẽ bù lại cho tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Thương mại toàn cầu dự báo sẽ tăng 2,3% trong năm 2024 (năm 2023 chỉ tăng 0,2%) và sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cho các nền kinh tế.

Các chuyên gia của ADB cũng cho rằng, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, thiếu sự đa dạng về đối tác thương mại rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài và toàn cầu. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến, điều này cũng có thể làm chậm quá trình phục hồi xuất khẩu của Việt Nam. Xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến tăng trưởng khiêm tốn ở mức 4%-4,5% trong năm 2024 và năm 2025 do nhu cầu bên ngoài dần phục hồi. Thặng dư tài khoản vãng lai được dự đoán là 1,5% GDP vào năm 2024 (dự báo của WB là 1,7% GDP). Nhưng so với các nền kinh tế trong khu vực thì Việt Nam phục hồi tốt hơn, đây là động lực để duy trì đà tăng trưởng năm nay.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam là 4 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trưởng tích cực. Trong 4 tháng, chỉ số IIP tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 (4 tháng năm 2023, chỉ số IIP giảm 2,5%) và trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế chung. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp. Cả nước có 59 địa phương có chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2024 tăng so cùng kỳ và 9 địa phương có IIP giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp đều kỳ vọng đà phục hồi này sẽ vững chắc hơn trong năm 2024 để thúc đẩy ngành sản xuất của Việt Nam trở lại thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết