15/09/2024 - 10:02

Khơi nguồn lực phát triển từ khu vực tư nhân 

Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025, kinh tế tư nhân đóng góp 55% vào GDP, đến năm 2030 đóng góp 55-65% GDP. Các chuyên gia nhận định, đây là mục tiêu rất thách thức, bởi khu vực kinh tế tư nhân đang đối diện với rất nhiều khó khăn.

Tạo động lực mới

Các thống kê cho thấy, kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra việc làm cho khoảng 85% số lao động cả nước. Khu vực này cũng chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và 35% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Đây là bước chuyển tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Hiện cả nước có khoảng 900.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động; trong đó có nhiều DN, tập đoàn tư nhân lớn đã tham gia đầu tư vào các công trình hạ tầng năng lượng, sản xuất ô tô,... quy mô lớn. Kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh đã trở thành lực lượng quan trọng đóng góp cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh. Ảnh: Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN

Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 31-3-2023) để thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW (ngày 3-6-2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng đặt mục tiêu đề ra đến năm 2025, cả nước có hơn 1,5 triệu DN, kinh tế tư nhân đóng góp 55% cho tăng trưởng chung. Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để thực hiện Nghị quyết 10, giai đoạn 2017-2023, Quốc hội đã ban hành hơn 100 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản pháp luật khác về DN, doanh nhân, trong đó có những bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ ban hành trên 800 nghị định, trong đó có nhiều nghị định liên quan đến DN, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Dư địa phát triển của kinh tế tư nhân lớn, nhưng trong 3 năm gần đây đã có dấu hiệu suy giảm, do tác động của đại dịch COVID-19.

Dữ liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2023) của VCCI cho thấy số DN giảm quy mô năm 2023 lên tới 16,2%, cao hơn đáng kể so với mức ghi nhận năm 2022 chỉ 10,7% và gần bằng mức kỷ lục của năm 2021 với 16,6% khi Việt Nam còn ở tâm dịch COVID-19. Khảo sát PCI 2023 còn cho thấy mức độ lạc quan của DN năm 2023 ở mức thấp hơn so với những năm trước. Chỉ có 27% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể so với mức 35% của năm 2022. Con số này thấp hơn mức đáy của những năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Nhiệt kế kinh doanh của khối DN tư nhân đang có sự suy giảm, vì vậy rất cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ để khơi động lực tăng trưởng từ khu vực tư nhân.

Khơi tiềm năng phát triển

Với những khó khăn gặp phải, các DN cũng suy xét thận trọng hơn về kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Vì vậy để đạt mục tiêu con số 1,5 triệu DN và khu vực tư nhân đóng góp 55% cho tăng trưởng kinh tế cần cải thiện thực chất hơn. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2024, cả nước có gần 110.800 DN đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký gần 994.700 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 672.400 lao động, tăng 4,4% về số DN và tăng 0,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9 tỉ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 8 tháng, cả nước có 30.289 DN đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng hơn 1,01 triệu tỉ đồng, giảm 10,1% so cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2024 là hơn 2,04 triệu tỉ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù số DN thành lập mới nhiều hơn số DN rời thị trường, nhưng khu vực tư nhân đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng qua, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 82.800 DN, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 38.700 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 13.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18%. Bình quân 1 tháng, cả nước có 16.900 DN rút lui khỏi thị trường. Điều này cũng cho thấy, nhu cầu trong nước cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch COVID-19 và kéo theo đà giảm của đầu tư tư nhân vào nền kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7% và đây là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2019-2022. Theo báo cáo điểm lại tháng 8-2024 về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân cải thiện trong nửa đầu năm 2024, đầu tư khu vực tư nhân trong nước đóng góp gần 60% cho tổng vốn đầu tư, đóng góp 3,9% cho tăng trưởng nửa đầu năm 2024, nhưng thấp hơn mức tăng bình quân hằng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017-2019. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được điều này cần động lực phát huy vai trò của kinh tế tư nhân. Các chuyên gia cho rằng, hơn bao giờ hết kinh tế tư nhân cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, cho biết, để phát triển kinh tế tư nhân cần thực hiện 4 nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tiếp cận các nguồn lực đầu tư phát triển tốt hơn, nhất là nguồn lực đất đai, vốn, khoa học công nghệ; hỗ trợ khu vực tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, đặt trong bối cảnh phát triển của khu vực tư nhân ASEAN để có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn. Thứ hai, nhà nước dành nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm, tạo không gian phát triển mới để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển, bởi tư nhân không đủ nguồn lực đầu tư các công trình lớn. Kế đến là Nhà nước dành nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ để tạo động lực mồi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ khu vực tư nhân. Cuối cùng là nhà nước đầu tư nguồn nhân lực, chú trọng đến ngành nghề mà khu vực tư nhân có thể tham gia được để nâng cao năng suất lao động cho khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết