Theo một báo cáo công bố gần đây trên Tạp chí y khoa The Lancet, gần một nửa số ca mắc hội chứng mất trí trên toàn cầu có thể được trì hoãn hoặc phòng ngừa hoàn toàn, bằng cách loại bỏ 14 yếu tố nguy cơ của bệnh này.
Gắn kết xã hội là một cách giúp người cao tuổi bảo vệ sức khỏe trí não hiệu quả. Ảnh: Homecarehospitalbeds
Đây là báo cáo thứ ba của Ủy ban Lancet về chứng mất trí nhớ - tình trạng sa sút trí tuệ thường diễn biến âm thầm và dần khiến người bệnh bị mất trí nhớ cũng như khả năng nhận thức, ngôn ngữ và sự độc lập.
Qua 2 báo cáo công bố vào năm 2017 và 2020, có 12 yếu tố nguy cơ của chứng mất trí nhớ đã được xác định, gồm: trình độ học vấn thấp, mất thính lực, tăng huyết áp, thói quen hút thuốc, béo phì, trầm cảm, ít vận động, bệnh tiểu đường, uống quá nhiều rượu, chấn thương sọ não, ô nhiễm không khí và tình trạng cô lập xã hội.
Còn trong báo cáo thứ ba, các chuyên gia đã bổ sung 2 yếu tố nguy cơ - đó là mất thị lực và nồng độ cao LDL, thường được gọi là cholesterol “xấu”.
Mất trí nhớ hiện là một thách thức sức khỏe toàn cầu, với số lượng bệnh nhân đang gia tăng nhanh chóng, được dự đoán sẽ tăng từ khoảng 57 triệu người vào năm 2019 lên 153 triệu người vào năm 2050. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đang giảm ở các nước thu nhập cao, nhưng vẫn tiếp tục tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Và tác động kinh tế của chứng mất trí nhớ trên toàn cầu ước tính lên tới hơn 1.000 tỉ USD mỗi năm.
Trong báo cáo mới, các tác giả dựa trên các bằng chứng đã công bố để cho thấy rằng việc giải quyết 14 yếu tố rủi ro nói trên có tiềm năng giúp làm giảm tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ tới 45%. Việc giảm 14 yếu tố rủi ro đó còn có thể làm tăng số năm sống khỏe mạnh và rút ngắn thời gian sức khỏe kém cho những người mắc chứng mất trí nhớ.
Không chỉ vậy, báo cáo mới cũng dẫn các thử nghiệm lâm sàng cho thấy các phương pháp tiếp cận không dùng thuốc, như sử dụng các hoạt động phù hợp với sở thích và khả năng, có thể làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các tác giả còn đề xuất thực hiện một chương trình nhằm ngăn ngừa chứng mất trí nhớ có thể được triển khai ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và trong chính sách, trải dài suốt cuộc đời từ giai đoạn đầu đời cho đến trung niên và cuối đời.
Các điểm chính trong chương trình sẽ bao gồm việc cải thiện giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu đời; giải quyết tình trạng mất thính lực, LDL cao, trầm cảm, chấn thương sọ não, ít vận động, tiểu đường, hút thuốc, tăng huyết áp, béo phì và uống quá nhiều rượu trong giai đoạn trung niên; giảm tình trạng cô lập xã hội, ô nhiễm không khí và mất thị lực trong giai đoạn cuối đời.
Tiến sĩ Andrew Sommerlad, một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng một cách tiếp cận rộng rãi và có tổ chức từ các chính phủ trên toàn thế giới sẽ là điều cần thiết để chống lại sự gia tăng của chứng mất trí nhớ trong vài thập kỷ tới.
AN NHIÊN (Theo Medscape.com, The Conversation)