Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Tôi sinh ra đã thấy biển. Mọi người nói được sống ở thành phố này là một điều hạnh phúc, bởi mọi ngôi nhà trong phố đều có thể đi ra biển. Ra biển tập thể dục buổi sáng, ra biển tìm chút gió trong mùa hạ tới, ra biển ngồi trên bãi cát nhìn những con sóng cứ xóa hết dấu chân này đến dấu chân khác mà người tìm đến cố tình in dấu. Con đường biển dài gần 10 cây số với thảm cây xanh đẹp là điểm đến của biết bao nhiêu khách du lịch. Ba nói ngày xưa, cái thời ba đi học, ba vẫn thường đạp xe ra biển, chiếc xe đạp cà tàng, sên xe bị nhão đôi khi trượt văng ra khỏi xe, ba lại gắn vào và đi tiếp. Đạp xe ra biển, đôi khi chỉ đứng ở bên một gốc cây nào đó, ngắm biển xanh mênh mông và tận hưởng từng cơn gió, đã là một điều vô cùng hạnh phúc.
Biển cũng là nơi kết duyên của biết bao mối tình. Ngày đó ba gặp mẹ ở biển, một mối duyên kỳ ngộ như ông trời định sẵn. Ba kể hôm đó ba ra biển, thấy mẹ cứ cặm cụi lấy một cái que moi trên bãi cát. Hôm đó mẹ đánh rơi sợi dây chuyền kỷ niệm của bà ngoại tặng, có thể do vô tình bị đứt rồi rơi xuống cát. Ba đã lui cui cả buổi chiều, cho đến khi mặt trời tắt nắng để tìm sợi dây chuyền cho cô gái xa lạ. Trong hoàng hôn đã loang, sợi dây chuyền đã được tìm thấy. Vậy là quen nhau.
Rồi mối tình của ba và mẹ sau đó là những cuộc hẹn hò trên bãi cát đầy ánh trăng hoặc ánh đèn chiếu rọi của đoàn thuyền đánh cá từ ngoài khơi xa hắt vào. Tất cả các cuộc tình từ thuở đi học đều bền vững sau khi trở thành chồng vợ, ba nói thế. Họ đã có thời yêu nhau đẹp như một câu chuyện cổ tích. Và khi đã đầy ắp kỷ niệm trong nhau thì khó có thể rời xa nhau.
Trong căn nhà cách biển chỉ hơn mười lăm phút đi xe đạp thuở ba mẹ mới cưới là những ngày vui. Ba đi làm lo loan cho gia đình, công việc của ba nhiều nên ba thường về trễ. Và mẹ vẫn thường đợi ba về, đó đã trở thành một thói quen. Nhưng cuộc sống vốn dĩ luôn thay đổi. Giống như chiếc xe đạp cũ kỹ ngày ba mẹ yêu nhau rồi cũng trở thành quá khứ.
Khi đã vượt qua mọi điều gian nan trong cuộc sống, dường như người ta quên mất rằng mình từng nắm tay nhau đi qua giông bão. Đôi khi những kỷ niệm vẫn chỉ là kỷ niệm, đã ở phía sau bên cạnh những hối hả của bao điều phía trước. Chị em chúng tôi đã từng sống vui những ngày đang lớn lên, những ngày cơm áo khó mà căn nhà tràn ngập tiếng cười, những lần cả nhà nắm tay đi bộ ra biển, những bữa cơm đôi khi chỉ là món cá kho, đĩa rau luộc mà nắng gió ngoài hiên lao xao dòm ngó. Căn nhà của chúng tôi ngày xưa chỉ là căn nhà nhỏ, đi ra đi vào đụng nhau. Nay căn nhà đã xây lại, ba tầng với nhiều tiện nghi và mỗi người trong gia đình có riêng một căn phòng. Chỉ cần đóng cửa lại, là thế giới riêng của mình. Trong gia đình đó, ba đứa con gái được sinh ra và lớn lên. Trong gia đình đó, cô con gái đánh rơi sợi dây chuyền trên cát biển năm nào nay đã khác. Thì cuộc sống mà, ai rồi cũng khác. Ba của chúng tôi cũng khác. Căn nhà trở thành thế giới riêng của hai bên.
Hằng ngày ba đi làm, đi họp, đi công tác và đôi khi đi nhậu, ba thường xuyên vắng nhà. Ba đi và về giống như một người khách trọ, chỉ có tiếng ô tô bóp còi, rồi ai đó ra mở cửa cho ba. Nhà rất ít có bữa cơm gia đình, dẫu chị Hoài, người giúp việc theo giờ vẫn đi chợ hằng ngày, chị nấu ăn giỏi nên món ăn phong phú. Nhưng ba ăn tiệc nhiều hơn ăn cơm, đến độ mẹ nói: “Nhà này giống như chỗ để anh về ngủ”.
Ba mẹ dần thấy xa xôi. Rồi mẹ tìm cách để mấy đứa con nghiêng về phía mình như thể căn nhà là một lãnh thổ có hai quốc gia. Thật ra thì mẹ cũng rất bận bịu với công ty bất động sản của mẹ. Dạo này nhiều dự án xây dựng, các đô thị mọc lên khắp nơi, công việc của mẹ cũng bận rộn. Ba đứa con gần như ít gặp mặt ba và cả mẹ. Hay nói đúng hơn là gặp trong những lần họp mặt, những bữa cơm gia đình hiếm hoi ngày sinh nhật các thành viên trong nhà. Những bữa cơm gia đình bây giờ dẫu rất nhiều món ăn ngon, nhưng bữa cơm nhà còn cần cả tiếng cười. Trong nhà không còn điều đó, dẫu vẫn đủ năm người, nhưng lại không chung một niềm vui. Để ở đâu đó chỉ là kỷ niệm khi nhắc lại thuở ba và mẹ yêu nhau. Để ở đâu đó những hạt cát trên bãi biển mà hai người đã từng thề ước chắc đã chơi trò chơi trốn tìm chốn mênh mông.
Rồi cũng đến thời điểm tôi nghe hai chị Ngọc và Lan của tôi nói là mình theo phe mẹ. Mẹ đi giao tiếp có khi dắt hai chị đi cùng. Nhưng cuộc phân chia con ông - con tôi thật là buồn. Cho nên vào một buổi tối ba đi làm về rất trễ, bước vào nhà chỉ có gió lay, những căn phòng ở trong căn nhà rộng thênh thang này đã đóng cửa, mỗi người đã vào chốn ẩn trú của mình, tôi vẫn đợi ba về. Tôi chợt sững sờ nhìn thấy ba đã thực sự già, hai bên thái dương tóc đã có nhiều sợi bạc. Tôi rót cho ba ly nước. Ba hỏi: “Sao con không đi ngủ đi?”. “Dạ, con đợi ba về”. Ba cầm ly nước uống, nói: “Ừ, lâu rồi không có ai đợi ba về”. Chỉ là một câu nói mà nghe như thể ở ngoài khơi xa kia, có cả tiếng thở dài của biển. “Từ nay con sẽ thức đợi ba về rồi mới ngủ. Con sẽ rủ mẹ và hai chị nữa, cùng đợi ba về” - tôi nói với ba và nghĩ rằng tôi sẽ kiên nhẫn để làm được điều đó.
Ba nhìn ra ngoài sân. Ở ngoài sân đó, ba trồng một cây mai xanh. Chuyện là một lần đi ngang một ngôi nhà có cây mai xanh rất đẹp, ba đã đi mua về trồng. Cây mai xanh đã bao lần ra hoa nhưng vắng người nhìn ngắm. Ba nói: “Để sáng mai thức sớm, ba rủ mẹ rồi cả nhà mình đi biển, con nhé”.