Công an huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công dân trên địa bàn về hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong lĩnh vực PCTT, thủy lợi, đê điều. Cụ thể, ngày 9-9-2024, trước tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Cẩm Khê diễn biến phức tạp, mực nước sông dâng nhanh gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ đạo PCTT huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động, yêu cầu một số hộ dân thuộc khu vực bãi bồi Phú Động, thuộc khu Phú Động, thị trấn Cẩm Khê di chuyển vào bờ để đảm bảo an toàn về tính mạng. Tuy nhiên, 2 công dân là ông Đ.T.T và bà N.T.T, đã cố tình không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy PCTT của cơ quan có thẩm quyền, bỏ trốn, không chịu vào bờ. Ban chỉ đạo PCTT huyện đã huy động lực lượng tìm kiếm trong nhiều giờ và đã đưa được 2 công dân vào khu vực an toàn. Sau đó, Công an huyện Cẩm Khê đã tiến hành làm việc, xác minh, củng cố hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công dân trên, phạt 4 triệu đồng/người.
Theo Luật PCTT năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các hành vi bị nghiêm cấm: chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy PCTT của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó khẩn cấp thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền. Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT, thủy lợi, đê điều như sau: phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy PCTT của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; phạt tiền 15-25 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai; phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy PCTT của người có thẩm quyền đối với chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá.
Cứu hộ, cứu nạn là một trong những công tác đảm bảo an toàn cho người gặp nạn trong thời điểm gặp thiên tai. Các hành vi vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong PCTT sẽ bị xử phạt như sau: phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi biết người khác gặp nạn nhưng không thông tin kịp thời để lực lượng chức năng đến cứu nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch. Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi không cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không đủ điều kiện hoặc bất khả kháng. Phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi yêu cầu cứu hộ, cứu nạn nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận. Phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với hành vi báo nạn giả để yêu cầu cứu hộ đối với phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ.
Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra. Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ, cứu trợ không đúng đối tượng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; chiếm đoạt hàng cứu trợ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc tiếp tục thực hiện hoạt động cứu trợ do thực hiện các hành vi vi phạm theo quy định.
Hoàng Yến (tổng hợp)