31/08/2024 - 19:50

WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 

Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8-2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, các chuyên gia nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực, cơ hội và rủi ro ở thế cân bằng. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng kinh tế Việt Nam đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Fed có thể cắt giảm lãi suất thời gian tới sẽ giảm bớt áp lực lên các nền kinh tế. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại KienlongBank Chi nhánh Cần Thơ.

Kinh tế phục hồi trong khó khăn

Tại buổi công bố, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, nhận định: Với diễn biến nửa đầu năm 2024 cho thấy Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh. Lực cầu phục hồi nhờ xuất khẩu tăng, đầu tư tư nhân dù vẫn thấp hơn trước đại dịch COVID-19, dự báo năm 2024 tăng trưởng kinh tế đạt 6,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng triển vọng tăng trưởng là tích cực. Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ lên mức 6,5% vào năm 2025-2026. Ðể duy trì tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường quản lý đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng ngành giao thông và năng lượng - xương sống quan trọng để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước; đồng thời có gói đầy đủ về cải cách cơ cấu để tận dụng nguồn lực con người; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường độ ổn định của khu vực tài chính.

Báo cáo của WB ghi nhận, trong nửa đầu năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo phục hồi, mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, chủ yếu do niềm tin của người tiêu dùng yếu, làm giảm doanh số các mặt hàng không thiết yếu; việc làm khu vực chính thức gần như không tăng, tăng trưởng thu nhập thực còn khiêm tốn. Tăng trưởng tín dụng cải thiện, nhưng ở mức thấp so với chỉ tiêu đề ra, trong khi chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là mối quan ngại khi nợ xấu tăng… Theo dự báo tháng 4-2024 của WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 5,5%. Với dự báo trong báo cáo điểm lại tháng 8-2024 thì WB đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam, cùng nhận định là triển vọng tăng trưởng kinh tế có cơ hội và rủi ro ở thế cân bằng.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, trong nửa đầu năm nay, mặc dù đầu tư tư nhân, tiêu dùng trong nước vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Song, ngành chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, lưu trú, dịch vụ ăn uống… phục hồi nhanh hơn năm 2023 đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thời gian tới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tác động của lực cầu bên ngoài, do tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại. Nhưng xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Chính sách cắt giảm lãi suất của Fed sắp tới cũng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Cân bằng các chính sách cho tăng trưởng

Theo nhận định của các chuyên gia WB, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn có những rủi ro theo hướng tiêu cực cả từ bên ngoài và bên trong. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở với kinh tế toàn cầu, yếu tố bất định chính phát sinh do tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến, đặc biệt ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, sản xuất công nghiệp mà Việt Nam có mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Căng thẳng địa chính trị leo thang có thể ảnh hưởng thêm đến xuất khẩu. Trong nước, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư; thị trường bất động sản có thể lâu phục hồi hơn dự kiến, gây ảnh hưởng bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân… Vì vậy, Việt Nam cần có các chính sách để hỗ trợ cho đà tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB - Dorsati Madani khuyến cáo, để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, về chính sách tài khóa, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bởi đây là động lực chính cho tăng trưởng hiện nay; khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn; cải cách thị trường vốn; củng cố khung thể chế để nâng cao hiệu quả giám sát và can thiệp sớm, bởi nền kinh tế chưa quay lại đầy đủ các điều kiện tăng trưởng như trước dịch. Ngoài ra, củng cố môi trường pháp lý cho các dịch vụ thiết yếu; tăng cường hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nâng cao trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực. Trong đó, các cải cách cơ cấu có vai trò sống còn để duy trì triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Các chuyên gia WB cũng khuyến cáo, ngoài các gói kích cầu ngắn hạn, tăng cường quản lý đầu tư công cũng hết sức quan trọng nhằm xử lý những hạn chế phát sinh về hạ tầng - chẳng hạn về năng lượng, giao thông và vận tải - hiện đang ngày càng trở thành trở ngại với tăng trưởng. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh những cải cách cơ cấu nhằm tăng cường môi trường pháp quy trong các dịch vụ trụ cột quan trọng (công nghệ thông tin và truyền thông, điện, vận tải), để xanh hóa nền kinh tế, tạo dựng vốn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp tục đa dạng hóa thương mại, đồng thời tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại khu vực và kết nối để đảm bảo tăng trưởng có khả năng chống chịu tốt hơn.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết