14/09/2024 - 11:35

Xuất khẩu gạo hướng đến mục tiêu 8 triệu tấn 

Xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng đầu năm 2024 khá thuận lợi khi đạt trên 6,16 triệu tấn, thu về gần 3,85 tỉ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 21,7% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo với chiều hướng này xuất khẩu gạo cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, mang về hơn 5 tỉ USD…

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo đạt 8 triệu tấn.

Giá lúa cao, nông dân lãi lớn

Nhiều cánh đồng lúa thu đông (lúa vụ 3) ở các huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đang bắt đầu chín, trong khi giá lúa dao động ở mức cao nên nông dân rất vui và tích cực chăm sóc. Ông Lâm Văn Tèo, canh tác 3ha lúa thu đông ở xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, phấn khởi: “Mặc dù chưa tới vụ thu hoạch nhưng mấy ngày nay thương lái các nơi kéo về đây tìm mua lúa hàng hóa khá nhiều, bình quân từ 7.300-8.000 đồng/kg (tùy loại giống), đây là mức giá khá cao so với những vụ thu đông trước; cộng với năng suất từ 700-800 kg/công, trừ chi phí nông dân còn lãi từ 2,5-3,5 triệu đồng/công trở lên”. Chỉ chúng tôi gần 5ha lúa thu đông đang chín dần, anh Trần Văn Khoa, cùng ngụ xã Ðông Bình (huyện Thới Lai) cho hay, anh đã bán cho thương lái mấy tuần nay với giá 7.500 đồng/kg. Với 5ha lúa thu đông này, sau khi trừ chi phí sẽ “bỏ túi” hơn 150 triệu đồng, mức lợi nhuận hấp dẫn so với các năm trước. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, sau 2 vụ đông xuân và hè thu khá thành công thì nông dân đang chuẩn bị thu hoạch vụ thu đông - đây là vụ lúa thứ 3 trong năm 2024. Với chiều hướng thuận lợi hiện nay, ngành Nông nghiệp kỳ vọng hơn 68.000ha lúa thu đông sẽ bội thu.

Tại Hậu Giang, nhiều nông dân cũng tất bật chăm sóc hơn 24.500ha lúa thu đông. Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Vị Bình (huyện Vị Thủy), chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác lúa thu đông hàng chục năm qua, tuy nhiên đây là năm đầu tiên lúa được giá cao và ít bị sâu bệnh phá hại. Hiện khu vực này đa phần diện tích lúa mới hơn 2 tháng tuổi, nhưng thương lái đã đặt cọc mua trước với giá 7.600 đồng/kg, đảm bảo cho nông dân lãi khá nên nhiều hộ đã quyết định bán sớm”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức cao và có chiều hướng tăng là do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nhằm đảm bảo nguồn gạo để giao hàng cho những đối tác xuất khẩu. Ngoài ra, một số quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Ðộ và Thái Lan gặp tình trạng thiên tai khiến sản lượng gạo bị ảnh hưởng; từ đó nhiều nước nhập khẩu gạo tăng cường tìm nguồn cung từ phía Việt Nam. Trong khi đó, thời điểm này ở ÐBSCL đã gần hết vụ thu hoạch lúa hè thu, còn lúa thu đông thì mới chín, có nơi mới trổ bông, do đó lượng lúa gạo hàng hóa không còn nhiều và giá tăng cao là chuyện hiển nhiên.

Hướng đến mục tiêu bền vững

Bộ NN&PTNT nhận định, diễn biến tình hình gạo thế giới cho thấy có lợi cho các quốc gia xuất khẩu, trong đó Việt Nam đang tận dụng tối đa cơ hội để tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào những tháng cuối năm nay. Theo đó, năm 2024, cả nước sản xuất khoảng 43,4 triệu tấn lúa, sau khi cân đối các nhu cầu trong nước và đảm bảo an ninh lương thực… thì sẽ dành khoảng 8 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu. Ngoài số lượng thì điều đáng ghi nhận là chất lượng gạo của Việt Nam không ngừng cải thiện bởi việc nghiên cứu thành công các loại giống lúa thơm ngắn ngày có thể canh tác từ 2-3 vụ mỗi năm, vừa đạt năng suất cao mà hạt gạo thơm ngon, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho hay: “Nhiều năm qua ông đã chủ động liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp ở Kiên Giang, An Giang… để xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tất cả quy trình canh tác được áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng; nhờ đó gạo của công ty luôn bán được giá cao, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và cả nông dân sản xuất…”. Theo ông Ðỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì VFA luôn khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đẩy mạnh liên kết các hợp tác xã nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao càng nhiều càng tốt; từ đó phục vụ tốt nhất việc xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính, có giá cao.

Tuy nhiên, cái khó trong chuỗi lúa gạo hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu bị vướng khi ngành thuế yêu cầu lập bảng kê khai mua lúa trực tiếp từ nông dân theo Mẫu số 01/TNDN được ban hành kèm theo thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính thì mới được khấu trừ chi phí. Trên thực tế thì lâu nay các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa thông qua thương lái cung cấp bởi không thể nào mua trực tiếp từ từng hộ nông dân được. Phía thương lái khi mua lúa của nông dân có làm bảng kê nhưng chưa được cơ quan thuế đồng ý. Phía cơ quan thuế cho rằng, các thương lái vẫn có thể đăng ký kinh doanh và được cấp hóa đơn, sau đó làm bảng kê 01 khi mua lúa trực tiếp từ nông dân. Song, việc này xem ra khá “phiền” nên không ít thương lái thờ ơ. Ðể đơn giản hơn trong việc này, có ý kiến đề xuất áp dụng quy định thu thuế trên từng ký lúa mà thương lái bán cho doanh nghiệp; nguồn thu này sẽ do doanh nghiệp nộp thay cho thương lái trong bảng kê 01, bởi doanh nghiệp có các bộ phận chuyên môn làm việc này; như vậy ngành thuế vẫn quản lý được nguồn thu, trong khi việc vận hành chuỗi lúa gạo vẫn duy trì bình thường, ít bị xáo trộn…

Vai trò quan trọng của “hàng xáo” trong thu mua lúa và xuất khẩu gạo

Trong chuỗi thu mua, xay xát và xuất khẩu gạo nhiều năm qua ở vùng ĐBSCL thì thương lái (còn gọi là “hàng xáo”) đóng vai trò vô cùng quan trọng để kết nối nông dân với doanh nghiệp, đưa lúa từ đồng ruộng về nhà máy chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, vai trò thương lái chưa được nhìn nhận thấu đáo.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, ở miền Tây là vùng sông nước chằng chịt, nhiều kênh rạch… và chỉ có thương lái mới là người am hiểu “thông tin” rõ nhất về sản xuất, chăm sóc, thu hoạch lúa của bà con nông dân. Khu vực nào xuống giống gì, ngày nào thu hoạch, năng suất lúa, chất lượng lúa ra sao… giới thương lái đều thuộc lòng hết; từ đó họ triển khai thu mua lúa tận nông dân, tận đồng ruộng một cách dễ dàng. Thương lái cũng là người có phương tiện vận chuyển (ghe), có máy cắt lúa, có năng lực tài chính để ứng tiền trước cho nông dân vài tháng; đặc biệt là sau khi thu hoạch lúa giao cho thương lái thì nông dân được nhận tiền ngay nên ai cũng thích. Những việc này các doanh nghiệp không thể làm được, do đó doanh nghiệp chỉ thu mua lúa thông qua thương lái - vừa nhanh gọn, đảm bảo số lượng lớn và ít tốn kém chi phí.

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tiết lộ, tỉnh có gần 148.000ha đất trồng lúa với sản lượng mỗi năm hơn 2,1 triệu tấn. Qua thống kê cho thấy, diện tích lúa có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp chỉ khoảng 17%; số còn lại chủ yếu là nông dân bán lúa cho thương lái.

Sự đóng góp của thương lái trong chuỗi lúa gạo là rất đáng được xã hội nhìn nhận và trân trọng. Vì vậy, Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, tới đây ngành chức năng cần xem xét cấp “giấy chứng nhận hành nghề” cho thương lái; xem thương lái là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến lúa gạo bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết