Năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 1/8 người trưởng thành trên thế giới trải qua tình trạng lo âu và căng thẳng. Tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành mắc chứng lo âu, căng thẳng, trầm cảm cao hơn thế giới, khoảng 1/5, theo khảo sát năm 2023 của Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Theo các chuyên gia, người gặp những vấn đề sức khỏe tinh thần thường xuyên, kéo dài, nếu không được can thiệp điều trị, có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng khác về thể chất, nhất là bệnh tim.
Căng thẳng tinh thần có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch. Ảnh minh họa.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề Căng thẳng thần kinh trong cuộc sống hiện đại, hệ lụy và giải pháp, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, Trưởng Phòng Khám và điều trị ngoại trú, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết, vấn đề căng thẳng tinh thần có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt liên quan đến bệnh tim mạch, căng thẳng làm tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, thậm chí đau ngực. Một số người căng thẳng quá, có cảm giác gần như bị nhồi máu cơ tim. Những người này thường xuyên đến BV khám, khám rất nhiều lần, được thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên biệt để tầm soát các bệnh lý tim mạch như điện tâm đồ, chụp mạch vành mà không phát hiện ra bệnh tim nhưng tim vẫn có cảm giác đau.
Theo BS Bích Huyền, mối quan hệ giữa căng thẳng, stress với các bệnh lý tim mạch được hình thành do nhiều cơ chế, trong đó có thói quen từ lối sống. Người bị căng thẳng, stress thì lối sống cũng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, như không thường xuyên vận động, ít tập thể dục, ăn uống không điều độ, lành mạnh và không tuân thủ việc điều trị các bệnh sẵn có. Đó là những nguy cơ dẫn đến các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng cholesterol trong máu. Một cơ chế khác là người có rối loạn lo âu thì cơ thể dễ xảy ra các phản ứng viêm, gia tăng các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Bệnh nhân căng thẳng tinh thần có những biến đổi về sự ngưng tập tiểu cầu, tổn thương các nội mạng của mạch máu cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng đông máu và có thể gây ra các bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
BS Huyền cho biết, nhiều bệnh nhân đến với bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần muộn, sau vài năm đã điều trị ở khắp các bác sĩ chuyên khoa, tại nhiều BV khác nhau. Thậm chí, có những trường hợp đã can thiệp điều trị nhịp tim nhanh hoặc uống thuốc huyết áp thời gian dài nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng tim mạch không khỏe. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý chuyên khoa khác.
Tổ chức Y tế Thế giới đã phát hành cẩm nang Hướng dẫn quản lý căng thẳng, stress và được dịch ra nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt. Tác phẩm y học này khuyến cáo nhiều cách thức giúp người bệnh vượt qua “cơn bão cảm xúc” trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Đó là, trước hết, người bệnh cần tìm chỗ bấu víu, gia tăng gắn kết với cuộc sống thực tại thông qua các mối quan hệ tình thân, bạn bè. Từng bước tháo gỡ những vướng mắc từ bên ngoài hay chính từ bên trong bản thân để đẩy lùi dần cảm xúc tiêu cực. Nhiều người quá kỳ vọng vào ai đó hoặc điều gì đó, khi không đạt mong muốn hoặc quá áp lực để đạt mục tiêu sẽ dẫn đến trạng thái căng thẳng tinh thần. Khi nhận thấy tinh thần đang rơi vào trạng thái căng thẳng, stress, cần tìm cách vực dậy và có kế hoạch để vực dậy. Điều đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại với rất nhiều áp lực từ xã hội, công việc đến gia đình, mỗi người cần biết chấp nhận, dung hòa, chung sống với những điều không như ý nhưng không thể thay đổi. Mỗi người có sức khỏe thể chất và tinh thần khác nhau, tự mình chiêm nghiệm, cảm nhận và tìm ra giải pháp xử lý tốt những những vấn đề căng thẳng gặp phải trong cuộc sống.
Những dấu hiệu phổ biến của tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài bao gồm khó đi vào giấc ngủ thường xuyên, đau đầu, đau mỏi cơ, nhịp tim nhanh, cảm giác buồn nôn, tức ngực; khả năng tập trung kém, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, thiếu quyết đoán trong giải quyết vấn đề; tâm trạng thay đổi thất thường, hay bồn chồn, lo lắng, tức giận vô cớ, sợ hãi và dễ nổi nóng; nhịn ăn hoặc ăn uống quá mức, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc… Có thể thấy, căng thẳng tinh thần là vấn đề bình thường của cuộc sống và cần thích nghi để có thể vượt qua nhẹ nhàng. Tránh tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, có thể dẫn đến nhiều biến chứng hoặc phụ thuộc thuốc.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG