16/09/2024 - 05:16

Tham vọng hải quân của Triều Tiên 

Lâu nay, Triều Tiên chủ yếu tập trung vào việc phát triển sức mạnh quân sự trên bộ, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường sức mạnh hải quân đánh dấu sự thay đổi chiến lược có ý nghĩa sâu rộng đối với an ninh khu vực, đồng thời tạo ra sự lo ngại đáng kể trong giới chuyên gia quân sự.

Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Ảnh: KCNA

Khi thị sát một số cơ sở quân sự mới đây, trong đó gồm một cơ sở đóng tàu hải quân và một căn cứ hải quân đang được xây dựng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh hải quân.

Động lực tăng cường năng lực hải quân

Theo ông Kim, căn cứ hải quân mới có khả năng vận hành các tàu chiến và tàu ngầm lớn hơn mà nước này sẽ chế tạo, và việc xây dựng căn cứ hải quân hiện đại, đa chức năng có ý nghĩa then chốt trong việc phát triển hải quân Triều Tiên thành lực lượng hùng mạnh, đáp ứng môi trường an ninh trong khu vực. “Chúng ta sắp sở hữu các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm lớn nhưng lại không thể neo đậu tại các cơ sở neo đậu hiện có nên việc xây dựng một căn cứ hải quân để vận hành các tàu chiến lớn mới nhất đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách” - ông Kim nhấn mạnh.

Trong chuyến thị sát, ông Kim đã ra lệnh tăng cường đầu tư vào các dự án đóng tàu để có thể hoàn thành các nhiệm vụ trước mắt cũng như các kế hoạch dài hạn nhằm đặt nền móng cho sự phát triển của ngành đóng tàu nước này.

Triều Tiên được cho là sở hữu đội tàu ngầm thuộc hàng đông đảo nhất thế giới, nhưng đa số là các tàu cũ và cỡ nhỏ. Thời gian gần đây, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố một số hình ảnh cho thấy nước này bắt đầu đóng các tàu ngầm mới, có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Ít nhất 2 tàu ngầm mới được cho là đã hoàn tất. Những hình ảnh ban đầu cho thấy mỗi tàu có thể được trang bị 10 ống phóng tên lửa đạn đạo. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đó là tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ rằng đây là lớp tàu ngầm cũ có từ thời Liên Xô và được cải tiến, bởi Bình Nhưỡng khó tiếp cận các công nghệ và vật liệu hiện đại.

Thật ra, sự quan tâm của Triều Tiên đối với phát triển hải quân không hoàn toàn mới mà đã gia tăng trong những năm gần đây. Theo truyền thống, hải quân chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chiến lược quân sự của Triều Tiên nhưng nhiều yếu tố đã thúc đẩy Bình Nhưỡng nâng cao sức mạnh hải quân. Trong đó, động lực chính là tính răn đe chiến lược và tham vọng hiện đại hóa quân đội của nước này. Trong khi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tạo thành xương sống của sự răn đe này, lực lượng hải quân mạnh hơn sẽ cho phép Triều Tiên thể hiện sức mạnh vượt ra ngoài biên giới. Việc phát triển năng lực hạt nhân trên biển cũng sẽ nâng cao khả năng của Bình Nhưỡng trong việc chống lại hoặc trả đũa các cuộc tấn công của đối phương.

Nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc vào thương mại hàng hải. Do đó, việc tăng cường năng lực hải quân sẽ cho phép Bình Nhưỡng bảo vệ tốt hơn các tuyến đường hàng hải và khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển xung quanh Bán đảo Triều Tiên, qua đó không chỉ giúp đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn thủy sản và tài nguyên có giá trị dưới biển mà còn khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Triều Tiên ở vùng biển tranh chấp.

Sự hiện diện mạnh mẽ hơn của hải quân cũng sẽ cho phép Bình Nhưỡng thách thức sự thống trị của hải quân các đối thủ trong khu vực như Hàn Quốc hay Nhật Bản, đồng thời tác động đến các tính toán chiến lược của Mỹ, Trung Quốc. Nhờ đó, Triều Tiên có thể tìm cách thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và giành được đòn bẩy lớn hơn trong các cuộc đàm phán ngoại giao, đặc biệt là liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Đối mặt nhiều trở ngại

Song, Triều Tiên hiện phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc phát triển lực lượng hải quân, trong đó gồm năng lực công nghệ vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã đạt được bước tiến đáng kể trong phát triển tên lửa nhưng đóng tàu hải quân lại đặt ra một thách thức khác, bởi việc đóng tàu chiến, tàu ngầm hay tàu trang bị tên lửa tiên tiến đòi hỏi công nghệ tiên tiến, năng lực công nghiệp và chuyên môn cao - những lĩnh vực mà Bình Nhưỡng vẫn còn tụt hậu.

Một thách thức khác đó là áp lực kinh tế do phát triển năng lực hải quân gây ra, bởi việc xây dựng và duy trì một lực lượng hải quân có năng lực là rất tốn kém, đặc biệt đối với một quốc gia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế như Triều Tiên.

Giới chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc Triều Tiên tăng cường năng lực hải quân sẽ dẫn đến hậu quả tiềm tàng, cụ thể là nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang trong khu vực. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ vốn từ lâu cảnh giác với các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, có thể phải tăng cường năng lực hải quân để đáp trả Bình Nhưỡng, từ đó có thể dẫn đến tình trạng quân sự hóa gia tăng ở khu vực Đông Bắc Á, làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu ở vùng biển tranh chấp.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết