Hòa An hội quán được người dân trong vùng quen gọi là chùa Ông Bổn, là ngôi chùa cổ mang nét đặc trưng kiến trúc của dân tộc Hoa, có tuổi đời gần 150 năm, tọa lạc tại số 9 đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Đây còn là công trình được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2004.
Chùa Ông Bổn được xây dựng vào năm 1875, lúc đó có tên là Thất Phủ Miếu(1) tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1911 được trùng tu lần thứ nhất và đổi tên là Hòa An hội quán cho đến nay. Qua 7 lần trùng tu vào các năm 1953, 1969, 1987, 1990, 1994, 1999 có kiến tạo gia cố thêm nhưng vẫn đảm bảo được hiện trạng cũ nên ngôi chùa mới khang trang như ngày nay. Chùa nằm trong trung tâm của tỉnh nên rất thuận tiện cho du khách đến tham quan, cúng bái(2).
Chùa Ông Bổn có mặt tiền chính điện hướng về hướng Nam, 2 bên có 2 đại tự “Tăng” và “Phước” - ngụ ý chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc. Ngoài ra, ở bên phải khuôn viên chùa còn có ngôi miếu nhỏ thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, tượng trưng cho thần Thổ Địa của địa phương.
Quan sát từ đỉnh hương lớn đặt giữa khuôn viên khá rộng của ngôi chùa, tổng thể kiến trúc của di tích này có toàn bộ phần chân cột, đá xanh viền nền tam cấp trong khu vực nội thất đến khung cửa chính của ngôi chùa… đều được các nghệ nhân tạc bằng đá tảng. Ngôi chùa được thợ xây dựng “phân kim tam cấp” theo hình chữ “phú” - tượng trưng cho sự sung túc, phú quý. Đặc biệt qua đợt trùng tu sau này, ngôi chùa còn giữ nguyên hiện trạng đến 90% mái chùa lợp ngói ống âm dương màu xanh (ngói lưu ly) sản xuất ở Lái Thiêu cùng với phần kiến trúc thẩm mỹ độc đáo bằng gốm tráng men màu của tượng “Bát tiên thí võ”, “Lưỡng long tranh châu”, “Mẫu đơn phụng”, hoa văn trang trí “Chỉ hoa cúc”… ở tả hữu mái ngói trước tượng trưng âm dương hòa hợp, sung túc.
Trên bộ khung cửa chính tạc bằng đá tảng, ngoài bức biển đại tự cổ bằng đá được các nghệ nhân chạm khắc chữ “Hòa An hội quán” hoàn thành vào năm 1911 là tên chữ của di tích được sơn son thếp vàng rực rỡ. Bên dưới bức đại tự còn có đội lân đá - người Hoa tín ngưỡng gọi là “Nhị lân quản ngỏ” được các nghệ nhân tạo tác rất công phu sắc sảo dùng để đỡ bức đại tự. Nội thất chùa Ông Bổn được xây dựng theo kiểu kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân tộc Hoa theo chữ “Phước”, tạo thành chữ nhật (chiều rộng 9,25m, chiều dài 14,7m). Đồng thời nhìn theo đường đá tảng viền nền rộng khoảng 2 tấc được lớp thợ xưa “phân kim tam cấp” tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện trong nội thất chùa. Ở khoảng trống 2 bên trung điện được nghệ nhân xây bàn thờ bằng đá mài và đắp nổi hai bức tranh lớn “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” đúng theo thế phong thủy nên tại đây còn có 2 khoảng trống thông thoáng gọi là “thiên tỉnh” (giếng trời) giúp không gian chùa khoáng đạt, tạo ánh sáng cho hậu cung của chánh điện và có chỗ thoát khói của trầm, hương được đốt khi cúng lễ đông người.
Từ tiền điện, sau cửa ra vào, đến trước chánh điện chùa Ông Bổn có 5 đôi cột gỗ vuông, 1 đôi cột tròn (long trụ) vẽ hình rồng, 1 đôi cột tròn đỡ bức hoành phi chính và 1 đôi cột vuông bên bệ thờ đều gắn những câu đố bằng gỗ quý có niên đại từ năm (1875-1912). Dưới mái ngói hướng vào chánh điện là khu vực quan trọng nhất của ngôi chùa nên tại đây tập trung nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như bao lam, hoành phi, câu đối chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ...
Đặc biệt nhất hiện nay chùa Ông Bổn còn lưu giữ, bảo quản hầu như nguyên vẹn 10 biển câu đối bằng gỗ quý và 10 bức hoành phi nằm ở tả hữu bàn thờ Ông Phước Đức và Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Các bức này đều khắc đại tự được sơn son thếp vàng, chạm trổ khuôn viền tinh xảo với các đề tài trang trí như tứ linh, cá hóa long, rồng hóa long dây lá, mây hạc, tam giới cộng đồng, phước lộc thọ... có niên đại từ năm (1875-1912). Cụ thể như các bức hoành phi hoàn thành năm 1912, hay bức hoành phi “Hộ ngã đồng nhơn” hoàn thành năm 1882, “Minh đức di hân” hoàn thành vào năm 1875 và bức hoành phi “Quản kết thiện duyên” hoàn thành năm 1875...
Bên cạnh ý nghĩa cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thánh thần phù hộ ban phước lành cho nhân dân... thì riêng các phần điêu khắc chạm trổ khuôn viền các biển bức hoành phi (chạm 3 lớp) khám thờ chánh điện, tượng gỗ đỡ dàn cột kèo gồm 6 bộ cột vuông, cột tròn, bộ cột long trụ... là những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, độc đáo. Chùa Ông Bổn còn có nhiều cổ vật quý hiếm khác là các tượng gỗ thờ Ông Bổn, Ông Phước Đức, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu sơn son, thếp vàng rực rỡ; bộ lư quỳ cổ hình Thái Tuế, 3 bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu... các bộ bàn thờ (quý tự) bằng gỗ quý đều được các nghệ nhân chạm khắc 3 lớp và dát vàng rất tinh xảo.(3)
Gian thờ chính trong nội điện được bố trí đăng đối, trang nghiêm. Gian chính giữa thờ Trịnh Ân, tức Cảm thiên đại đế, là vị phúc thần trong tâm thức của bà con người Hoa nơi đây. Bên trái gian chính điện là bàn thờ của Phúc Đức Chính Thần, bên phải là bàn thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trước gian chính điện còn có 2 hàng bát bửu 2 bên.
Chùa Ông Bổn ở Sóc Trăng thu hút đông đảo khách thập phương tham quan cúng bái trong các dịp rằm, lễ Tết, ngày vía Ông… Bên cạnh đó, chùa Ông Bổn còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc và thông qua đó đã tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp, gây quỹ làm công tác từ thiện… thể hiện truyền thống đoàn kết lâu đời của các dân tộc tại địa phương.
Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều
----------------
(1) Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng, “Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Hòa An hội quán (chùa Ông Bổn)”, ngày truy cập 11-9-2024.
(2) Tài liệu của Ban quản trị chùa.
(3) Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng (2009), “Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Sóc Trăng”, tr.222-227.