16/09/2024 - 05:17

Hiệu quả từ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có trên 43.500 lao động có việc làm thông qua nhiều hình thức giới thiệu việc làm, tự tạo việc làm tại chỗ, vay vốn ưu đãi… Trong đó, nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (gọi tắt là chương trình cho vay GQVL) đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều lao động mở rộng sản xuất, tăng thu nhập.

Nguồn vốn cho vay GQVL giúp hộ dân xã Trường Thắng, huyện Thới Lai phát triển mô hình trồng na Thái.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh

Vốc từng nắm cỏ tươi cho đàn dê trong chuồng, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Hơn 2 năm nay, được chị họ hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật, tôi nuôi 30 con dê thịt. Tôi được giới thiệu vay 30 triệu đồng để dựng chuồng, mua vật dụng cần thiết. Vợ chồng tôi chịu khó lấy bã tàu hủ, cắt cỏ, hái rau để nuôi dê, tiết kiệm chi phí thức ăn. Tùy thời giá thị trường, tôi bán từ 100.000 đồng/kg dê thịt và 1,5 triệu đồng/con dê giống. Nuôi dê ít tốn công chăm sóc, không lo rủi ro dịch bệnh, giá cả đầu ra, thu nhập ổn định”. Song song đó, chị Bích dành thời gian cải tạo hơn công đất vườn, trồng 400 cây ổi lê. Tận dụng nguồn phân dê bón cây, sau 8 tháng, chị Bích thu hoạch từ 300 kg ổi/tuần, giá bán dao động từ 3.000-8.000 đồng/kg.

Sau khi nghỉ việc kế toán ở công ty tư nhân, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng bàn với chồng mở tiệm tạp hóa và nước giải khát tại nhà. Nhà chị Hạnh nằm trên trục lộ, bán hàng hóa giá cả phù hợp nên việc kinh doanh thuận lợi. Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi được giới thiệu vay 70 triệu đồng để sửa sang cửa tiệm, mua vật dụng, hàng hóa phục vụ việc kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình”. Khéo xoay đồng vốn, chị Hạnh mở dịch vụ rửa xe; bán thêm các món điểm tâm.

Nhạy bén nắm bắt thông tin, xu hướng thị trường, thị hiếu người dân, chị Nguyễn Thị Hạnh, khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng. Trong đó, có nho thân gỗ và táo Thái là 2 giống mới trồng thử nghiệm gần 3 năm. Chị Hạnh đã bán 2 đợt táo Thái, giá dao động từ 30.000-50.000 đồng/kg. Ðợt gần nhất, chị Hạnh thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Theo chị Hạnh, táo Thái dễ chăm sóc, nhanh cho trái và tiêu thụ ổn định, được nhiều thực khách ưa chuộng vì độ giòn, ngọt. Ðược hỗ trợ vay 80 triệu đồng vốn ưu đãi, chị Hạnh sử dụng để bao lưới vườn táo, lắp đặt hệ thống tưới tự động và học cách ủ phân hữu cơ bón cây. Gia đình chị Hạnh đang thí điểm đón du khách tham quan vườn trái cây, hướng đến phát triển mô hình du lịch sinh thái.

Ðáp ứng nhu cầu người lao động

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố, 8 tháng năm 2024, doanh số chương trình cho vay GQVL là 332 tỉ đồng, với 7.370 lao động vay. Dư nợ chương trình gần 1.813 tỉ đồng, tạo việc làm trên 42.620 lao động. Theo các hội, đoàn thể nhận ủy thác, người lao động vận dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, như trồng cây ăn trái, nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh… Các năm qua, để tăng cường nguồn vốn cho vay, ngân sách thành phố và các quận, huyện chuyển sang NHCSXH 623 tỉ đồng, tập trung cho vay các mô hình, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để thu hút thêm lao động, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL trên địa bàn thành phố.

Trong thực tế, nhiều hộ dân, mô hình có nhu cầu tăng vốn vay GQVL để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như Tổ hợp tác trồng hẹ, phường Thạnh Hòa; mô hình trồng táo Thái kết hợp du lịch sinh thái, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt; trồng na Thái, xã Trường Thắng; trồng mãng cầu gai, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai; trồng sầu riêng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ... rất cần được tăng vốn vay để mở rộng quy mô, trang bị máy móc phục vụ sản xuất. Ðồng thời, các ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu sản xuất, phân bón; việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa ổn định, đảm bảo tính bền vững.

Tại các phiên họp về hoạt động cho vay tín dụng của Chi nhánh NHCSXH thành phố, ghi nhận kiến nghị của các hội, đoàn thể nhận ủy thác về việc được hỗ trợ tăng vốn vay GQVL, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên, tạo động lực cho các ý tưởng khởi nghiệp, khởi doanh, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu thành phố và các quận, huyện tiếp tục bố trí nguồn ngân sách qua NHCSXH; đẩy mạnh huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, vận động thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền hằng tháng để tạo nguồn vốn cho vay. Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp tục đề nghị NHCSXH Trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách cho thành phố, nhất là chương trình cho vay GQVL, đáp ứng nhu cầu vay vốn, phát triển kinh tế gia đình của người lao động.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết