12/09/2024 - 12:09

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp khẳng định hiệu quả 

Từ vụ hè thu 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai 5 mô hình thí điểm "canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp" tại 5 địa phương thuộc các vùng sinh thái khác nhau ở ĐBSCL gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang. Các mô hình này cũng chính là mô hình "điểm" làm cơ sở nhân rộng thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC). Đến nay, nhiều mô hình đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên đạt được năng suất tốt và khẳng định mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả thiết thực

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai thực hiện được 7 mô hình thí điểm thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đến nay, có 4 mô hình thí điểm (mỗi mô hình có diện tích trên dưới 50ha) được thực hiện trong vụ lúa hè thu 2024 đã có lúa thu hoạch, gồm 1 mô hình ở Cần Thơ, 1 mô hình ở Sóc Trăng và 2 mô hình ở Trà Vinh. Kết quả, lúa trong các mô hình đều đạt năng suất cao. Ước năng suất lúa của 4 mô hình thí điểm trong vụ hè thu 2024 đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,63 tạ/ha. Nông dân có lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình, đồng thời giảm mạnh được lượng phát thải khí nhà kính nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thực hiện tưới ướt khô xen kẽ và thu gom rơm ra khỏi đồng. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, các mô hình đều giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài, với mức lợi nhuận cao hơn từ 4 đến hơn 7,5 triệu đồng/ha tại các mô hình ở Cần Thơ, Trà Vinh và Sóc Trăng. Nông dân đã nâng cao thu nhập nhờ năng suất lúa đạt cao hơn, bán được giá tốt và giảm được các chi phí tiền vật tư đầu vào.

Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Theo Cục Trồng trọt, đối với 3 mô hình thí điểm đã gieo sạ trong vụ thu đông 2024 tại Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang, dự kiến thu hoạch lúa từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10-2024. Theo kế hoạch, tới đây tỉnh Trà Vinh tiếp tục xuống giống 2 mô hình trong vụ thu đông 2024 sau khi thu hoạch xong vụ hè thu và tỉnh Kiên Giang xuống giống 1 mô hình trong vụ mùa trên nền đất lúa tôm trong tháng 9 này. Vụ đông xuân 2024-2025, dự kiến diện tích thực hiện mô hình điểm tại các địa phương được nâng lên 3.344ha.

Nhân rộng mô hình

Nhằm sơ kết, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phát triển, nhân rộng mô hình, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT vừa chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Tại hội nghị này, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia khẳng định các mô hình thí điểm đã giúp mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, môi trường và thúc đẩy liên kết trong chuỗi ngành hàng để phát triển bền vững. Tới đây, các bên có liên quan cần tiếp tục tích cực vào cuộc để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và hạn chế còn tồn tại, từ đó hoàn thiện, phát triển mô hình và nhân rộng trên quy mô lớn. Đặc biệt, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực của các bên có liên quan. Chú ý xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ quản lý tài nguyên đất, dinh dưỡng, nước, biến đối khí hậu... theo từng tiểu vùng sinh thái. Hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đảm bảo áp dụng theo các kỹ thuật chính đề ra trong quy trình canh tác theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC...

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: "Các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương và đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và triển khai thực hiện tốt các mô hình. Quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và cải tiến kỹ thuật để phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp chủ động phòng tránh các loại dịch hại và đáp ứng yêu cầu thực của Đề án...".

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cùng IRRI và các bên có liên quan, mô hình thí điểm được triển khai trong vụ hè 2024 tại Cần Thơ đạt nhiều kết quả khả quan, giúp nông dân giảm được nhiều chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV và giảm được phát thải khí nhà kính. Năng suất, chất lượng lúa được nâng cao, từ đó lợi nhuận cũng tăng lên. Hiện ngành Nông nghiệp Cần Thơ tiếp tục triển khai mô hình trong vụ thu đông 2024 và xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trong vụ đông xuân 2024-2025, với tổng diện tích trên 200ha. Nhìn chung, việc triển khai các mô hình thí điểm theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC đang thuận lợi nhờ được các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho địa phương. Tuy vậy, các địa phương vẫn còn gặp một số vướng mắc cần Bộ NN&PTNT tiếp tục ban hành thêm các văn bản hướng dẫn, cũng như có thêm cơ chế, chính sách giúp các HTX, doanh nghiệp tham gia mô hình thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong khai thác, phát huy giá trị của rơm rạ sau khi thu gom ra khỏi đồng. Các địa phương cũng cần Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm để gạo tại các mô hình sớm được gắn nhãn hiệu gạo phát thải thấp…

Để phát huy các kết quả tích cực của các mô hình thí điểm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đã yêu cầu Cục Trồng trọt tăng cường phối hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các địa phương và đơn vị có liên quan để nhân rộng, phát triển mô hình trong các vụ lúa tới đây, nhất là vụ đông xuân 2024-2025. Trên cơ sở các mô hình điểm với diện tích 50ha tại các địa phương, chú ý mở rộng mô hình lên theo hướng liền ô, liền thửa gắn với đảm bảo các điều kiện thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Tăng cường mời gọi doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu lúa cho nông dân trong mô hình và có hợp đồng chặt chẽ. Đặc biệt, các địa phương cần bám sát mô hình điểm tại địa phương để kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lý và quan tâm theo dõi tập hợp các số liệu, dữ liệu để hình thành bộ tài liệu nhằm phổ biến, tuyên truyền về mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với điều kiện thực tế tại địa phương mình…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết