29/04/2018 - 16:24

Sản xuất rau màu phát triển bền vững

Cần hỗ trợ nông dân kết nối cung - cầu 

Tận dụng lợi thế nước ngọt quanh năm, nông dân TP Cần Thơ đã và đang phát triển sản xuất  nhiều các loại rau màu để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.  Các loại nông sản như: mướp, bầu bí, dưa, nấm rơm… tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, một số loại như: ớt chỉ thiên, hạt sen… được nhiều hộ dân trồng với diện tích khá lớn phục vụ  nhu cầu thu mua, chế biến xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Nông dân tại TP Cần Thơ hiện có khả năng sản xuất và cung ứng nhiều loại rau màu với số lượng lớn cho thị trường (Trong ảnh: Thu hoạch mướp hương  tại một hộ dân ở quận Thốt Nốt). Ảnh: KHÁNH TRUNG
Nông dân tại TP Cần Thơ hiện có khả năng sản xuất và cung ứng nhiều loại rau màu với số lượng lớn cho thị trường (Trong ảnh: Thu hoạch mướp hương  tại một hộ dân ở quận Thốt Nốt). Ảnh: KHÁNH TRUNG

Anh Nguyễn Văn Chiến, ngụ phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ có 11 công đất trồng ớt chỉ thiên. Thời gian qua, nhờ trồng loại ớt này mà anh Chiến và nhiều hộ dân có thể đạt lợi nhuận cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Đồng thời cũng giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, với thu nhập mỗi người đạt từ 100.000-200.000 đồng/ngày nhờ tham gia các công đoạn làm đất, chăm sóc, hái, lặt cuống ớt. Đặc biệt, công đoạn hái ớt và lặt cuống ớt giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ và người lớn tuổi, với giá thuê hái ớt ở mức 4.000-5.000 đồng/kg, lặt cuống ớt khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, anh Chiến không  mở rộng thêm diện tích trồng ớt chỉ thiên vì giá cả đầu ra còn quá bấp bênh, phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái. Anh Chiến cho biết: “Nhu cầu thị trường rất lớn về ớt chỉ thiên do không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà còn được nhiều đơn vị, doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu trái tươi và làm các sản phẩm chế biến. Song, do nông dân chưa kết nối được với các doanh nghiệp thu mua nên phải bán hàng qua trung gian, nên khó bán được giá cao ổn định, nông dân chưa an tâm duy trì và phát triển sản xuất quy mô lớn. Gần đây, nhiều hộ dân trồng ớt đã  giảm diện tích trồng, bỏ ớt để chuyển sang loại cây trồng khác”.

Các năm trước ớt chỉ thiên có giá khá cao, có lúc đạt 70.000-80.000 đồng/kg, lúc rẻ cũng khoảng 30.000-50.000 đồng/kg, giúp nông dân trồng ớt có mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, giá ớt chỉ thiên liên tục có chiều hướng đi xuống do nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng nhưng không có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Hiện ớt chỉ thiên loại 1 chỉ ở mức khoảng 23.000-25.000 đồng/kg, còn loại 2 khoảng 13.000-15.000 đồng/kg. Theo tính toán của nhiều nông dân, giá ớt chỉ thiên phải từ 25.000 đồng/kg mới đảm bảo giúp nông dân có lời do chi phí đầu tư cho cây trồng này khá cao. Chi phí đầu tư cho một công đất trồng ớt chỉ thiên thường ở mức từ 15.000.000 đồng trở lên, gồm chi phí làm đất, màng phủ, cây giống, phân thuốc và chăm sóc, chưa tính nhân công thu hoạch. Ớt chỉ thiên trồng trong khoảng 2,5 tháng là bắt đầu cho trái và thời gian cho trái có thể kéo dài 4-5 tháng, với năng suất có thể đạt trên 2 tấn trái/công. Nhưng những đợt thu hoạch đầu, ớt thường mới cho trái loại 1 bán được giá cao, còn càng về sau ớt cho trái nhỏ lại bán giá thấp và rất dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh, nhất là bệnh thối trái.

Ông Vưu Văn Cư ngụ khu vực Tràng Thọ A, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tôi có 7 công đất trồng ớt chỉ thiên và 10 công đất trồng mướp hương nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái.  Các năm trước, giá mướp được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức từ 4.000-10.000 đồng/kg nhưng những tháng gần đây chỉ còn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Tôi mong muốn tìm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để an tâm sản xuất”.

Trồng mướp hương khá nhẹ chi phí đầu tư và năng suất cho trái cũng khá cao, với thời gian thu hoạch trái kéo dài 4-5 tháng nên với giá mướp từ 2.500 đồng/kg trở lên nông dân có thể kiếm lời. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả sản xuất về lâu dài, nông dân rất mong ngành chức năng hỗ trợ họ trong kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ để có đầu ra sản phẩm tốt hơn. Theo nhiều nông dân trồng mướp, thời gian qua giá bán lẻ mướp trên thị trường tại nhiều nơi luôn ở mức khá cao từ 10.000-20.000 đồng/kg, trong khi nhiều nông dân phải bán sản phẩm với giá chưa bằng 50% mức giá trên. Đây là điều rất thiệt thòi cho cả nông dân và người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong thành phố và nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai  hằng ngày có nhu cầu một số lượng rất lớn mướp và các loại rau củ phục vụ cho các bếp ăn tập thể. Do vậy, nông dân trồng rau màu tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ rất mong được ngành chức năng hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp trên và các nhà tiêu thụ nói chung để có đầu ra sản phẩm tốt hơn. Qua đó, các nhà tiêu thụ cũng có lợi khi được mua hàng trực tiếp từ nông dân, không phải  mua qua các trung gian thương lái với giá cao.

 Phát triển sản xuất các loại rau màu rất cần thiết nhằm góp phần đa dạng và nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau quả đang tăng cao của thị trường. Qua đó, cũng góp phần tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp và giúp nông dân ứng phó biến đổi khí hậu. Các cấp, các ngành chức năng thành phố, nhất là ngành công thương, ngành nông nghiệp và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ cần tăng cường hơn nữa công tác kết nối cung - cầu, tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm rau màu, khuyến khích nông dân sản xuất.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết