23/01/2024 - 16:10

TIN TỨC THẾ GIỚI NGÀY 23-1 

Động đất tại Trung Quốc: Nhiều người bị thương, hơn 120 ngôi nhà bị hư hại

Trận động đất có độ lớn 7,1 xảy ra sáng 23-1 tại vùng nông thôn đông dân cư ở Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, đã khiến 6 người bị thương và làm hư hỏng khoảng 120 ngôi nhà, đe dọa nhiều hộ gia đình giữa lúc nhiệt độ khu vực giảm xuống mức đóng băng âm 18 độ C.

Trận động đất làm rung chuyển huyện Uchturpan, tỉnh Aksu, vào khoảng 2h sáng cùng ngày. Khoảng 200 nhân viên cứu hộ đã được điều động tới vùng tâm chấn. Trên mạng xã hội Weibo, chính quyền Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương thông báo động đất làm sập 47 ngôi nhà, làm hư hại 78 ngôi nhà và một số công trình phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, mạng lưới điện cũng bị gián đoạn hoạt động trong một thời gian ngắn và đã được khôi phục. Cơ quan đường sắt thành phố Urumqi đã hoãn 23 chuyến tàu sau khi động đất xảy ra, nhưng đến nay đã khôi phục dịch vụ tàu hỏa sau khi kiểm tra các đường ray đều an toàn.

Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất có độ lớn khoảng 7,0 xảy ra ở dãy núi Thiên Sơn, nơi được ghi nhận những hoạt động địa chấn bất thường.

Người dân sơ tán đến một trung tâm thể thao sau động đất ngày 23-1. Ảnh: THX/TTXVN


Hàn Quốc chi gần 75 triệu USD đưa sản xuất về nước 

Theo hãng tin Yonhap, ngày 23-1, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTTE) thông báo kế hoạch chi 100 tỉ won (74,6 triệu USD) trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm cách đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở về nước. 

Theo MTTE, số tiền trên tăng 75% so với mức 57 tỉ won được phân bổ trong năm ngoái. Bộ này cũng có kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp trong 10 năm so với mức giới hạn 7 năm như trước đây. 

Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành chiến lược như chất bán dẫn, màn hình, pin và vaccine, MTTE sẽ trợ cấp 45% cho các khoản đầu tư được thực hiện bên ngoài vùng thủ đô Seoul, tăng so với mức 21% trước đó. Các khoản đầu tư được thực hiện trong khu vực trên sẽ được hưởng trợ cấp 26%.

Quan chức phụ trách chính sách đầu tư xuyên biên giới, ông Park Duk-ryul, cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc đưa dây chuyền sản xuất từ nước ngoài trở về nước trong các ngành có sự phát triển hàng đầu về mặt công nghệ đang đóng vai trò then chốt giúp thúc đẩy kinh tế vùng, trong đó có đầu tư và việc làm, cũng như đảm bảo động lực xuất khẩu.

Hãng sản xuất pin Hàn Quốc LG Energy Solution đang mở rộng đầu tư sản xuất trong nước. Ảnh: The Korea Times


EU đạt thỏa thuận khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển Đỏ

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển Đỏ. Thông tin này được Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell công bố với báo giới sau cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU tại Brussels ngày 22-1.

Ông Borrell cho biết hoạt động này nhằm mục đích bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen. Trong vài tuần qua, lực lượng này đã tấn công các tàu mà họ cho là có liên hệ với Israel để thể hiện tình đoàn kết với người dân ở Dải Gaza.

Theo kế hoạch, EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu hàng trong trường hợp có mối đe dọa. EU hiện chưa xác định rõ quốc gia nào sẽ nắm quyền chỉ huy sứ mệnh này. 

Cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU còn có sự tham dự của các ngoại trưởng từ Israel, Chính quyền Palestine, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia, cùng Tổng Thư ký Liên đoàn các quốc gia Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Hamas - Israel. Các bộ trưởng đã thảo luận về việc khắc phục hậu quả xung đột tại Dải Gaza, những nỗ lực chung nhằm vực dậy tiến trình chính trị hướng tới giải pháp hai nhà nước và tổ chức một hội nghị hòa bình trù bị để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine một cách toàn diện trong tương lai.

Một tàu hàng đang băng qua Vịnh Suez hướng vào Biển Đỏ. Ảnh: Reuters

PV (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết