23/09/2024 - 08:29

Sách nói có xu hướng gia tăng 

Những năm gần đây, thị trường sách nói tăng trưởng đáng kể trên toàn cầu. Số người nghe sách nói gia tăng, doanh thu cũng khởi sắc. Nhiều nhà sản xuất, các công ty đã chú trọng đầu tư cho nội dung và công nghệ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

Nền tảng sách nói Audible có đa dạng sách với nhiều định dạng đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Theo ước tính từ Grand View Research, năm 2023 thị trường sách nói toàn cầu đã đạt giá trị 6,83 tỉ USD. Dự báo năm 2024 sẽ mang về tổng giá trị khoảng 8,67 tỉ USD. Trong đó, thị trường tại Mỹ và châu Âu phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng tại Mỹ, doanh thu từ sách nói đã đạt mức 2 tỉ USD trong năm 2023. Trong khi đó, Đức là quốc gia có thị trường sách nói phát triển sớm và luôn tăng trưởng mỗi năm. Báo cáo từ Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (APA) cho biết có khoảng 46% độc giả Đức đã nghe sách nói hoặc podcast trong năm qua, khoảng 1/3 độc giả ở Pháp và Tây Ban Nha cũng làm điều tương tự. Colin Hauer, Giám đốc điều hành nhà xuất bản Hörbuch Hamburg (Đức), cho biết đã ghi nhận sự tăng trưởng ổn định của thị trường sách nói ở nước này, đặc biệt kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Trong năm 2023, khoảng một nửa trong số 85 triệu người dân Đức đã sử dụng sách nói, podcast hoặc nghe phim truyền hình. Tương tự, Thụy Điển cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý. Helena Gustafsson, Giám đốc nội dung của Storytel - dịch vụ đăng ký sách điện tử và sách nói có trụ sở tại Stockholm, chia sẻ rằng ở các nước Bắc Âu, lượng tiêu thụ sách nói đã đạt mức ấn tượng. Chỉ riêng tại Thụy Điển, sách nói hiện chiếm 35% doanh thu của các nhà xuất bản và lượng sách bán ra có tới 64% là sách nói.

Theo các chuyên gia, thị trường sách nói gia tăng bởi sự phát triển của công nghệ, nhất là các nền tảng hỗ trợ phát triển sách. Điển hình như Audible đã phát triển khá hiệu quả trong những năm qua. Lee Jarit, Giám đốc quan hệ đối tác của nền tảng sách nói Audible, cho biết tùy theo mỗi thị trường mà đơn vị này có chiến lược tiếp cận phù hợp. Đơn cử ở thị trường mới như Brazil, Audible thâm nhập thị trường bằng cách sử dụng người kể chuyện là người nổi tiếng. Đơn vị đã mạnh dạn đầu tư sản xuất đến 1.500 đầu sách nói của Brazil, tạo hệ thống dữ liệu sách nói phong phú cho người dùng. “Chúng tôi đầu tư rất lớn để tạo nên một danh mục nội dung âm thanh hoành tráng, đủ sức thu hút người Brazil đến với hình thức xuất bản mới này” - Giám đốc Lee Jarit nói thêm. Trong khi đó, ở các thị trường truyền thống quen thuộc với sách nói như Anh, Mỹ thì Audible chuyển sang đổi mới mô hình phân phối nội dung. Cụ thể, Audible sẽ phối hợp với các tác giả, người sáng tạo nội dung để đưa ra những định dạng sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả.

Công nghệ phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để thị trường sách nói mở rộng. Các công ty xuất bản tìm kiếm nhiều hướng đi để thu hút người nghe, từ việc tạo ra các bản sách nói đa phương tiện đến nâng cao trải nghiệm âm thanh. Như tại Storytel, đơn vị này đang ứng dụng công nghệ VoiceSwitcher cho phép người nghe thay đổi người kể chuyện để phù hợp với sở thích hoặc tâm trạng cá nhân. Còn Audible thì ra mắt công cụ tìm kiếm AI mang tên Maven giúp độc giả tìm sách bằng giọng nói. Trong khi đó, công ty công nghệ Nuanced (Thụy Điển) sử dụng AI để hỗ trợ dịch thuật, nhắm tới các thị trường mới với ngôn ngữ đa dạng. Nuanced hướng đến những bản dịch có chất lượng cao để thu hút độc giả.

Sách nói là thị trường còn nhiều tiềm năng, hiện các công ty, nhà sản xuất chú trọng sản xuất nội dung chất lượng cao, đa dạng định dạng sản phẩm để tiếp cận người dùng trên toàn cầu.l

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Publishers Weekly, Publishing Perspectives)

 

Chia sẻ bài viết