Selen - vi chất dinh dưỡng được gọi là “nguyên tố trường thọ” - rất quan trọng đối với sức khỏe, nhờ có khả năng bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
Nhóm thực phẩm giàu selen. Ảnh: EyePromise
Nghiên cứu cho thấy selen hỗ trợ quá trình lão hóa khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhờ lợi ích làm giảm các chỉ dấu sinh học của tình trạng viêm trong cơ thể. Vi chất này rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của tuyến giáp. Trên thực tế, mô tuyến giáp chứa lượng selen cao hơn bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể con người.
Không chỉ vậy, selen cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch. Nó làm giảm tình trạng căng thẳng ôxy hóa trong cơ thể, tác động giúp giảm viêm và tăng cường hệ miễn dịch. Do selen có khả năng giảm viêm nên một số nhà nghiên cứu cho rằng vi chất này cũng có thể giúp giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh hen suyễn.
Do cơ thể không thể sản xuất selen, chúng ta buộc phải bổ sung chất này thông qua tiêu thụ các loại thực phẩm chứa selen hoặc sản phẩm bổ sung selen. Mặc dù vậy, việc dung nạp selen quá mức có thể gây độc cho cơ thể, thậm chí là dẫn đến tử vong.
Một số dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc selen gồm: rụng tóc, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đỏ bừng mặt, run rẩy và đau cơ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc selen cấp tính có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng về đường ruột và thần kinh, đau tim, suy thận và tử vong.
Dùng selen bao nhiêu là đủ và an toàn?
Theo các chuyên gia sức khỏe, cơ thể chỉ cần nạp một lượng nhỏ selen là đủ để hỗ trợ các chức năng như quá trình chuyển hóa hoóc-môn tuyến giáp và chống ôxy hóa. Hầu hết người lớn cần bổ sung 55microgram (mcg) selen/ngày và không nên vượt quá giới hạn trên là 400mcg selen/ngày. Riêng phụ nữ mang thai và cho con bú cần từ 60-80mcg selen/ngày.
Chúng ta có thể nhận được selen từ nhiều nguồn thực phẩm, bao gồm thịt, hải sản, rau quả và ngũ cốc. Ví dụ một quả trứng chứa 15mcg selen, trong khi một chén mì Spaghetti cung cấp 33mcg selen. Song, những người dân sống ở những vùng đất nghèo selen, như tại một số nơi ở châu Á, có thể không nhận đủ khoáng chất này trong chế độ ăn uống của họ.
Dùng thêm selen sẽ giúp sống lâu hơn?
Nhiều nhà khoa học đã hiểu mối liên hệ giữa selen và quá trình lão hóa. Một nghiên cứu gần đây liên kết lượng selen bổ sung trong chế độ ăn uống với độ dài telomere (“mũ” bảo vệ đầu nhiễm sắc thể) tăng lên, một dấu hiệu thường được sử dụng để đánh giá quá trình lão hóa sinh học.
Theo đó, độ dài telomere ngắn hơn biểu thị quá trình lão hóa và tiến triển của bệnh tật nhanh hơn. Còn một nghiên cứu khác được công bố gần đây trên Tạp chí Frontiers in Nutrition cho thấy bổ sung lượng selen vừa phải trong chế độ ăn uống có tác dụng chống lại nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong.
Nhìn chung, cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn trước khi các chuyên gia có thể khuyến nghị selen là một thành phần chống lão hóa trong chế độ ăn uống hằng ngày, nhưng đây thực sự là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người.
AN NHIÊN (Theo Verywellhealth, Healthline)