“Chuyên gia sân trường” là cách gọi vui của thầy cô giáo và học sinh các trường học trên địa bàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, dành cho đội ngũ cán bộ dân số của quận, bởi đội ngũ này có mặt khắp trường học của địa phương trong suốt mùa hè vừa qua đến đầu năm học 2024-2025 này để nói chuyện sức khỏe giới tính. Với kinh nghiệm dày dặn và cách truyền đạt gần gũi, dí dỏm, các cán bộ dân số đã kết nối với học sinh, giúp các em thoải mái chia sẻ những thắc mắc về sự phát triển sức khỏe sinh sản cũng như vấn đề tình yêu tuổi học đường.
Chị Huỳnh Thị Hải Yến tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THCS An Thới.
“Chúng mình đã lớn”
Những ngày đầu năm học 2024-2025, Ban Giám hiệu Trường THPT Bình Thủy phối hợp Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) quận tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe giới tính và phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Trong 30 phút trên sân trường, chị Dương Thu Hà, Phó trưởng Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy trao đổi, tương tác với hơn 1.000 học sinh của Trường THPT Bình Thủy xoay quanh nội dung sức khỏe giới tính, những dấu hiệu tự nhận biết quá trình dậy thì ở cả nam và nữ, bất thường tâm sinh lý cần sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời của người thân và cán bộ y tế, xúc cảm của tuổi mới lớn và nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cùng nhiều hệ lụy cho cả hiện tại và tương lai… Chị Hà còn nhắc nhở các em học sinh về những bệnh truyền nhiễm phổ biến và cách ngăn ngừa, rèn luyện lối sống lành mạnh cả thể chất lẫn tinh thần.
Em Hồ Thành Ðạt học lớp 12A4, cho biết: “Qua buổi nói chuyện, chúng em cảm thấy được tôn trọng, được xem là người lớn khi diễn giả Dương Thu Hà thẳng thắn nói về chuyện giới tính, sức khỏe sinh sản. Trước nay, trong trường hay ở nhà, thầy cô và cha mẹ cũng có dạy, có nhắc, chúng em cũng thì thầm với nhau và tự tìm hiểu, nhưng thường ngại khi nói những chuyện này. Việc cởi mở trao đổi giúp chúng em hiểu cách phòng tránh những trường hợp dẫn đến hệ lụy xấu. Thông điệp em tâm đắc trong buổi tư vấn là mỗi học sinh tuổi dậy thì biết lắng nghe cơ thể, tự chăm sóc sức khỏe tốt nhất, giữ gìn tình cảm trong sáng với bạn khác giới và đặc biệt nỗ lực học hành giai đoạn này”.
Cô Huỳnh Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, cho biết: “Ban Giám hiệu rất quan tâm vấn đề giáo dục sức khỏe giới tính cho học sinh, định kỳ tổ chức 2-3 đợt tuyên truyền mỗi năm. Dịp đầu năm học mới, Trường luôn mời các diễn giả là cán bộ y tế, cán bộ dân số đến nói chuyện trước toàn trường để chủ động cung cấp kiến thức cần thiết về sức khỏe lứa tuổi cho học sinh. Nhiều năm qua, Trường THPT Bình Thủy nhận được sự hợp tác nhiệt tình của Phòng Dân số - KHHGÐ quận. Các cán bộ dân số là những “chuyên gia trên sân trường”, cách thức truyền đạt truyền cảm, dễ gần, dí dỏm, nội dung sát thực tế. Các chị đề cập những khía cạnh “nhạy cảm” nhưng không quá đà khiến người nghe phải ngại ngùng. Vì thế các em học sinh cũng thoải mái trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan. Chương trình tư vấn như vậy là đạt hiệu quả”.
Theo cô Thanh Hà chia sẻ, thực tế hiện nay tình trạng học sinh tuổi vị thành niên yêu sớm khá phổ biến, kéo theo nhiều hệ lụy xảy ra như mang thai ngoài ý muốn, phạm tội quan hệ tình dục với trẻ em gái, dang dở việc học hành... khiến thầy cô rất đau xót. Vì vậy, gia đình, nhà trường và ngành chức năng cần đồng lòng, chung tay giáo dục để học sinh có nhận thức đầy đủ và đúng đắn, giúp các em biết hành xử hợp lý, bảo vệ bản thân. Xu hướng chung không thể “cấm hươu chạy” thì cần “vẽ đúng đường cho hươu”. Thầy cô luôn nhắc nhở các em giữ gìn tình cảm trong sáng tuổi học trò. Ngoài ra, Trường còn phát động nhiều phong trào thu hút học sinh tham gia các hoạt động lành mạnh.
Tùy nhóm đối tượng học sinh theo lứa tuổi, cán bộ dân số quận Bình Thủy lựa chọn nội dung và phương thức truyền thông phù hợp, hiệu quả. Theo chị Huỳnh Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy, việc giáo dục sức khỏe giới tính rất cần thiết vì điều kiện tiếp cận thông tin của trẻ vị thành niên hiện nay quá dễ dàng, cả thông tin tốt lẫn xấu. Các em dễ bị tiêm nhiễm những thông tin xấu, độc, không nhận thức được hành vi có thể dẫn đến lối sống lệch lạc, yêu sớm, nghiện chất kích thích, chểnh mảng việc học. Theo chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, ngay từ lớp 5, các nội dung về giáo dục sức khỏe giới tính đã được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy trong chương trình chính khóa. Song song đó, các trường cũng tăng cường hoạt động ngoại khóa, nhằm cung cấp kiến thức cho các em với phương châm mưa dầm thấm lâu.
Thương học trò như thương con
Các chương trình tư vấn - giáo dục sức khỏe giới tính cho học sinh trong trường học là một trong những nhiệm vụ của các phòng Dân số - KHHGÐ địa phương. Cán bộ dân số quận Bình Thủy đã kiên trì, miệt mài thực hiện chương trình này nhiều năm qua không chỉ bằng trách nhiệm với công việc mà còn bằng tấm lòng của người chị, người mẹ đối với những đứa trẻ mới lớn. Chị Dương Thu Hà, Phó trưởng Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy cho biết, con gái út của chị đang học lớp 12, thuộc thế hệ Gen Z thuận lợi tiếp cận rất nhiều thông tin từ nhiều kênh, mạng xã hội. Tuy nhiên, các em vẫn còn non nớt hiểu biết và kinh nghiệm sống để lựa chọn những thông tin đúng đắn, hữu ích cho bản thân, nhất là liên quan đến vấn đề sức khỏe giới tính. Ở thời đại 4.0, mọi người có thể kết nối với nhau dễ dàng nhưng nhiều bạn trẻ không thể kết nối với cha mẹ hay người thân về những biến động tâm sinh lý tuổi vị thành niên. Vì vậy, chị và đồng nghiệp mong muốn truyền tải thật nhiều kiến thức hữu ích cho học sinh, làm hành trang kỹ năng sống để các em tự tin, an toàn trước ngưỡng cửa vào đời.
Chị Dương Thu Hà giải đáp thắc mắc của học sinh Trường THPT Bình Thủy.
Từ mùa hè vừa rồi cho đến đầu năm học 2024-2025 này, các cán bộ dân số quận Bình Thủy đã đi khắp các trường từ tiểu học đến THCS, THPT trên địa bàn quận. Mỗi cuộc tuyên truyền từ 300-500 học sinh. Chị Huỳnh Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy cho biết, trong công tác thực hiện cũng có nhiều thuận lợi, được sự ủng hộ tích cực của Ban Giám hiệu các trường... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của công tác dân số nói chung là kinh phí bị cắt giảm gần như hoàn toàn, trong đó có chương trình truyền thông trong trường học. Một số khó khăn khác là thời lượng của chương trình truyền thông trên sân trường còn quá ít trong khi số lượng học sinh đông, không gian rộng làm loãng thông tin và hiệu quả tương tác, thiếu phương tiện minh họa trực quan các nội dung. Một số chương trình lồng ghép nhiều chủ đề trong một buổi, giảm khả năng tập trung chú ý của học sinh. Dù vậy, Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy vẫn tích cực gắn bó với chương trình vì các thế hệ học sinh nhiều năm qua.
Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới có mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể các cấp nỗ lực triển khai thực hiện các mục tiêu của nghị quyết này. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông về quy mô, cơ cấu dân số và chất lượng dân số phù hợp với thực tế của thành phố; nhất là giáo dục và tư vấn về sức khỏe sinh sản cho nhóm vị thành niên, thanh niên. BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ cho biết, Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy là một trong những đơn vị rất tích cực trong công tác tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu chung của công tác dân số ở địa phương nói riêng, thành phố nói chung.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG