23/09/2024 - 08:29

Tiếp tục thúc đẩy triển khai học bạ số 

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đang tập trung thực hiện triển khai học bạ số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Đây tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về học bạ số theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục.

Cán bộ, giáo viên TP Cần Thơ tham gia tập huấn sử dụng học bạ số. Ảnh: B.NG

Kết quả tích cực

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền; có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số góp phần xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý; là cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc.

Thời gian qua, ngành GD&ÐT TP Cần Thơ đã tích cực triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông. Bước đầu, các địa phương, các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ điều kiện phục vụ cho công tác này. Thời điểm năm 2016, các trường tiểu học được sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện việc nhập liệu trên hệ thống phần mềm SMAS hỗ trợ xuất thông tin học bạ cho học sinh. Năm 2018, các cơ sở giáo dục bắt đầu nhập liệu và xuất thông tin học bạ từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Ngành GD&ÐT thành phố đã xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng. Hiện nay, 100% trường tiểu học đã cập nhật dữ liệu về mạng lưới trường, lớp, học sinh và chuyển dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ÐT. Tất cả các trường phổ thông đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối Internet, sử dụng đồng bộ phần mềm quản lý giáo dục chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu do Bộ GD&ÐT quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử…

Bên cạnh đó, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ còn phối hợp với VNPT và Viettel cấp chữ ký số cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ khai thác, tạo lập, sử dụng học bạ số cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục TP Cần Thơ triển khai thí điểm học bạ số đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Kết quả, thành phố đã ký 60.259 học bạ số/73.172 học sinh, đạt 82,35%. Số lượng học bạ số được kết nối với cổng học bạ số của Bộ GD&ÐT đạt 100%.

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, việc triển khai học bạ số từ năm học 2024-2025 mang ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chuyển đổi số của ngành. Theo đó, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về chuyển đổi số được nâng lên thông qua việc triển khai thực hiện học bạ số; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành. Ðiều này mang đến lợi ích rất lớn về kinh tế, xã hội, như giảm chi phí in ấn, bảo quản học bạ giấy; học sinh, cha mẹ học sinh dễ dàng tra cứu học bạ thông qua ứng dụng do cơ quan có thẩm quyền cung cấp; các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin về học sinh, kết quả học tập của học sinh…

Tiếp tục thúc đẩy học bạ số

Bên cạnh việc triển khai học bạ số, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành (địa chỉ: csdl.cantho.edu.vn) đảm bảo cho công tác quản trị trường học từ cấp mầm non, tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên. Cơ sở dữ liệu được tạo lập, cập nhật thường xuyên dữ liệu “sống”, gồm: các thông tin có liên quan về nhà trường, giáo viên, học sinh… đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện việc tạo lập, quản lý, sử dụng, lưu trữ học bạ số khi được triển khai chính thức.

Các quận, huyện, trường học ở TP Cần Thơ đang khẩn trương thực hiện học bạ số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành. Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, quận đã ban hành các văn bản về triển khai học bạ số và xây dựng nguồn số liệu giáo viên, học sinh. Quận cũng có kế hoạch và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đảm bảo thực hiện học bạ số đạt hiệu quả, việc cập nhật thông tin được chính xác, kịp thời hơn.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai học bạ số ở TP Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn, như hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ Internet chưa ổn định; trình độ tin học của cán bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị còn hạn chế, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp khó. Ðối với việc khởi tạo học bạ số cho học sinh người nước ngoài, học sinh chưa có mã định danh (do nhiều nguyên nhân khác nhau) còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có hướng dẫn cụ thể...

Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ đề xuất Bộ GD&ÐT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện học bạ số; hướng dẫn cơ chế, chính sách cụ thể cho cán bộ phụ trách học bạ số tại các cơ sở giáo dục, Phòng GD&ÐT, Sở GD&ÐT; hướng dẫn quy chuẩn chung tối thiểu về hạ tầng, thiết bị, kỹ thuật triển khai học bạ số của cơ sở giáo dục, Phòng GD&ÐT, Sở GD&ÐT; hướng dẫn việc khởi tạo học bạ số cho học sinh người nước ngoài, học sinh chưa có mã định danh... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai học bạ số nói riêng, chuyển đổi số giáo dục nói chung.

NGỌC NGỮ

 

Chia sẻ bài viết