24/09/2024 - 19:48

Mỹ, Trung “so găng” về Quyền lực châu Á 

Báo cáo thường niên về Chỉ số Quyền lực châu Á của Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) mới đây cho biết, Trung Quốc có khả năng triển khai nhanh chóng và thời gian dài hơn trong trường hợp nổ ra xung đột giữa các quốc gia ở châu Á, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Mỹ không còn là cường quốc quân sự thống trị ở khu vực nữa.

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Xinhua

Chỉ số Quyền lực châu Á là công cụ đánh giá sức mạnh tổng thể của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương dựa trên 8 tiêu chí: năng lực kinh tế, năng lực quân sự, khả năng phục hồi, nguồn lực tương lai, quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa.

Dù thông tin trên khiến không ít người lo ngại nhưng báo cáo cũng cho rằng sức mạnh tổng thể của Bắc Kinh trong khu vực đang bắt đầu “chựng lại” trong bối cảnh dân số nước này sụt giảm. “Sức mạnh của Trung Quốc không tăng cũng không giảm. Nó đang ở mức thấp hơn Mỹ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào ở châu Á. Do tăng trưởng kinh tế chậm lại và phải đối mặt với những thách thức về cấu trúc dài hạn, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc mặc dù vẫn thống lĩnh nhưng không còn tăng nữa” - báo cáo lưu ý. Ngoài ra, Mỹ còn dẫn trước Trung Quốc về 6 trong số 8 tiêu chí trong Chỉ số Quyền lực châu Á và duy trì “sức mạnh và sự năng động” ở khu vực.

Ngược lại, Nhật Bản đã cho thấy sự trỗi dậy ấn tượng về quân sự và ngoại giao. “Sự chuyển đổi của Nhật Bản từ một cường quốc kinh tế và văn hóa thành một cường quốc năng nổ tham gia vào các hoạt động về quốc phòng và an ninh với các nước láng giềng là một trong những xu hướng được Chỉ số Quyền lực châu Á đánh giá cao. Tokyo đã trở thành nhà cung cấp an ninh khu vực khi ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) với Philippines, cho phép hai bên triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau. Chưa kể, mối quan hệ của Nhật Bản với Úc và Hàn Quốc ngày càng trở nên chặt chẽ” - báo cáo viết.

Ðáng chú ý, Ấn Ðộ đã vượt qua Nhật Bản về sức mạnh chung nhưng “New Delhi vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng ở phía Ðông eo biển Malacca”. Trên thực tế, ảnh hưởng của Ấn Ðộ vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn lực sẵn có của nước này, qua đó cho thấy New Delhi vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng ảnh hưởng hơn nữa. “Ðiểm mạnh lớn nhất của Ấn Ðộ ở châu Á là các nguồn lực sẵn có của nước này như dân số, diện tích và nền kinh tế khổng lồ. Hiện Ấn Ðộ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới về sức mua tương đương” - báo cáo cho biết thêm.

Ðiều bất ngờ lớn nhất trong báo cáo là sự suy giảm nhanh chóng về ảnh hưởng của Nga ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là sau khi Mát-xcơ-va phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. “Nga, đối tác không giới hạn của Trung Quốc, đã bị Úc “soán” vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực châu Á.

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc gần đây, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang phát triển năng lực để tăng cường khả năng “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến” chống lại Mỹ. Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ John Moolenaar còn cho rằng Bắc Kinh “có đủ vũ khí để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân” của Washington ở Thái Bình Dương.
Báo cáo cho hay, dù Bắc Kinh công khai mức chi tiêu quân sự là 229 tỉ USD vào năm 2022 nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy mức chi tiêu quân sự thực sự của Trung Quốc là khoảng 711 tỉ USD, gần bằng với ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm đó. Hiện Trung Quốc sở hữu lực lượng tên lửa trên bộ, hải quân và lục quân lớn nhất thế giới. Mặt khác, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực xây dựng kho vũ khí tên lửa siêu thanh tinh vi và tăng gấp 3 lần kho vũ khí hạt nhân vào năm 2030.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết