Kể từ khi lật đổ chế độ Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền mới ở Syria phải “bươn chải” trong môi trường địa chính trị phức tạp hơn. Hoàn cảnh mới buộc Tổng thống lâm thời Ahmed al-Shara phải tìm kiếm đồng minh hậu thuẫn cho sự tồn vong của chế độ mới.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani (phải) tiếp đón Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Shara thăm Doha ngày 15-4. Ảnh: AFP
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút với tờ Thời báo New York mới đây, ông al-Shara đã mô tả những nỗ lực của chính phủ mới nhằm giành được sự ủng hộ của nước ngoài. Theo ông, để giúp vực dậy nền kinh tế Syria, ông đã thuyết phục giới chức Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, bởi điều này là hợp lý khi chính phủ cũ không còn; thuyết phục phương Tây rằng ông là đối tác đáng tin cậy dù trước đây ông từng có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. “Các lệnh trừng phạt được đưa ra như một phản ứng đối với những tội ác mà chế độ trước đã gây ra đối với người dân” - ông al-Shara nói.
Ðược biết, trong cuộc nội chiến Syria, Mỹ, Anh và châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với chế độ al-Assad, khiến nền kinh tế Syria sụp đổ. Trong những tuần gần đây, trong khi châu Âu nới lỏng các lệnh trừng phạt, Mỹ ban hành lệnh tạm thời cho phép viện trợ nhân đạo vào Syria.
Ông al-Shara nhấn mạnh, để Syria không tái chìm trong cuộc nội chiến, Damascus cần viện trợ quân sự để xây dựng quân đội mới. Và để chính phủ hoạt động và đất nước không rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn, ông cần nguồn tài chính nước ngoài để trả lương cho công chức. “Bất kỳ sự hỗn loạn nào ở Syria cũng sẽ gây ra tổn hại không chỉ cho các nước láng giềng mà còn cho toàn thế giới” - ông al-Shara lo ngại.
Mới đây, ông al-Shara đã đến thăm Saudi Arabia và Qatar để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính. Kết quả là, Qatar đề nghị trả lương cho khu vực công Syria thông qua Ngân hàng Trung ương Syria nhưng lại lo ngại rằng động thái này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo ông al-Shara, Chính phủ Syria đang đàm phán các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, bên ủng hộ chính trị lâu năm của Syria, và dường như đang xây dựng quan hệ mới với Nga, quốc gia có lợi ích chiến lược trong việc duy trì các căn cứ quân sự ở Syria. “Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có sự hiện diện quân sự ở Syria. Chúng tôi đã hủy bỏ các thỏa thuận trước đây giữa Syria với các quốc gia khác và đang trong quá trình xây dựng các thỏa thuận mới”- ông al-Shara cho hay. Song, sự hiện quân sự này phải phù hợp với khuôn khổ pháp lý của Syria.
Ông al-Shara nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải đảm bảo “sự độc lập, ổn định của Syria và không có sự hiện diện của quốc gia nào tạo ra mối đe dọa hoặc nguy hiểm cho các quốc gia khác thông qua lãnh thổ Syria”.
Trong giai đoạn nội chiến ở Syria bắt đầu từ năm 2011, Nga đã gửi máy bay, tàu chiến, binh sĩ và cả cố vấn quân sự đến Syria để hỗ trợ chính quyền ông al-Assad chống lại các lực lượng nổi dậy. Vẫn chưa rõ Nga sẽ đóng vai trò gì ở Syria thời hậu chiến nhưng ông al-Shara thừa nhận Mát-xcơ-va trong nhiều thập niên đã hỗ trợ quân sự cho Syria, qua đó ngụ ý rằng Damascus có thể cần sự hỗ trợ của Nga hoặc các nước khác một lần nữa.
Ðầu tháng 12 năm ngoái, ông al-Assad đã chạy trốn sang Nga. Giới chức Syria khi đó đã yêu cầu Ðiện Kremlin giao nộp ông al-Assad - điều kiện để Nga duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria. Tuy nhiên, giới chức Nga đã từ chối yêu cầu đó. Dẫu vậy, chính quyền Syria dường như vẫn cởi mở trong việc đàm phán với Ðiện Kremlin. “Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Vũ khí của Syria hoàn toàn là của Nga. Trong nhiều năm, Nga và Syria cũng đã ký nhiều thỏa thuận về lương thực và năng lượng. Chúng ta phải cân nhắc đến những lợi ích này” - ông al-Shara nhấn mạnh.
Theo ông al-Shara, sự sụp đổ của chế độ ông al-Assad và sự ra đời của nhà nước mới ở Syria đã mở đường cho một loạt mối quan hệ an ninh hoàn toàn mới trong khu vực. Và đó là lý do vì sao nhiều quốc gia, dù ở khu vực hay ở châu Âu, đều rất quan tâm đến sự ổn định của Syria.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23-4 đã bổ nhiệm ông Ron van Rooden làm người đứng đầu phái bộ tại Syria lần đầu tiên kể từ khi bùng phát xung đột cách đây 14 năm. Theo trang web của IMF, Syria cũng không có giao dịch nào với IMF trong 40 năm qua. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tái thiết Syria. Trước đó, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết cơ quan này đang có kế hoạch cung cấp 1,3 tỉ USD hỗ trợ cho Syria trong 3 năm tới.
TRÍ VĂN