29/04/2025 - 08:47

Tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường và kích cầu tiêu dùng 

Tại hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng trong nước do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, cùng với lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn chia sẻ và đưa ra ý kiến đề xuất để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và tạo nền tảng cho các năm tiếp theo.

Hoạt động kinh doanh tại siêu thị GO! Cần Thơ.

Ðồng bộ giải pháp

Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, thị trường hàng hóa trong nước thời gian qua tiếp tục xu hướng phục hồi theo đà phục hồi của kinh tế cả nước.

Việc phát triển thị trường trong nước có những thuận lợi như GDP quý I năm 2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025 sẽ hỗ trợ cho thu nhập và nhu cầu tiêu dùng trong năm 2025. Ðầu tư công được đẩy mạnh giúp tăng thu nhập của người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng, qua đó thúc đẩy tiêu dùng. Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ. Lương tối thiểu tăng, thu nhập khả dụng của người dân được cải thiện, giúp chi tiêu nội địa tăng. Người tiêu dùng ngày càng quen với mua sắm trực tuyến, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận khách hàng hơn thông qua các nền tảng số. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở rộng, giúp hàng hóa nội địa dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn. Quý I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.708.000 tỉ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922 tỉ đồng (số liệu năm 2024). Tỷ trọng tiêu dùng hàng hóa qua kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm khoảng 75%, qua kênh bán lẻ hiện đại trực tiếp khoảng 20% và qua kênh mua sắm trực tuyến chiếm khoảng 5%. Thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là thị trường tương đối tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới. Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ lớn như Aeon (Nhật), LOTTE (Hàn Quốc), Cetral Retail, MM Mega Market (Thái Lan)... đã không ngừng đầu tư và phát triển số lượng các địa điểm bán lẻ tại nhiều địa phương trên cả nước. Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mua bán hàng hóa trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... cũng mở rộng và phát triển mạnh hoạt động bán hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước như Saigon Co.op, Wincommerce, Bách Hóa Xanh... cũng liên tục phát triển hệ thống bán lẻ trên cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, thị trường trong nước cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Kinh tế toàn cầu suy giảm và các yếu tố như chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá đang tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng nội địa. Sự thay đổi hành vi mua sắm từ offline sang online đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với các nền tảng số, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư triển khai và thích ứng. Người tiêu dùng hiện nay ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm xanh nhưng nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng này. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh sản phẩm từ các địa phương gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao và thủ tục phức tạp. Cùng đó, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.

Gỡ khó

Ðể tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, ông Nguyễn Xuân Minh, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tâm lý tiêu dùng hiện vẫn còn thận trọng, mặc sức mua dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa đạt mức tăng trưởng rõ rệt. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục có xu hướng tăng, tạo thêm áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn, trong khi tăng trưởng kinh tế thực tế chưa tạo được cú hích đủ mạnh để kích thích tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn, trong khi thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu nhất quán và tạo ra không ít rào cản cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Trước tình hình trên, nhiều giải pháp đã được đề xuất. Trong đó, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá, hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế và giảm tiền thuê đất là những biện pháp cấp thiết. Ðồng thời, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho thuế thu nhập cá nhân, giúp tăng thu nhập khả dụng và thúc đẩy tiêu dùng. Về lâu dài, động lực tăng trưởng phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước. Ðặc biệt, cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế cũng cần được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Bà Lê Thị Thư, Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống ngân hàng đã chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay, nhất là với lĩnh vực tiêu dùng… nhằm đưa nguồn vốn giá rẻ đến tay doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, Sở Công Thương thành phố phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, UBND quận, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Sở còn triển khai nhiều hoạt động, nhiều giải pháp xúc tiến thương mại nhằm kết nối cung cầu hàng hóa đến các doanh nghiệp, các thương nhân phân phối, đưa sản phẩm vào hệ thống các kênh phân phối lớn trên cả nước, mở rộng thị trường kinh doanh. Sở còn thường xuyên đăng cai tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh. Sau mỗi lần tổ chức, rất nhiều bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp các tỉnh được ký kết, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho rằng, thị trường trong nước không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm mà còn là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ðẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại để bắt kịp xu thế toàn cầu. Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, để phát triển thị trường nội địa và kích cầu tiêu dùng không chỉ là nhiệm vụ của riêng bộ phận nào mà giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội cần sự phối hợp chặt chẽ để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và phát triển bền vững.  

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết