28/04/2025 - 21:07

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

Ký ức hào hùng về ngày toàn thắng 

50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), những “Bộ đội Cụ Hồ” rưng rưng niềm xúc động khi nhắc về kỷ niệm cùng đồng chí, đồng đội. Với những người lính có mặt tại Dinh Ðộc Lập khi lá cờ cách mạng được kéo lên vào ngày 30-4-1975, niềm hạnh phúc còn đan xen tự hào, vinh dự trong thời khắc lịch sử của dân tộc…

Tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng

Ðại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân Từ Ðễ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, và nhiều cựu chiến binh (CCB) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 vừa có buổi giao lưu với CCB, cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên, thanh niên TP Cần Thơ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðại tá Từ Ðễ là phi công của Phi đội Quyết Thắng - một trong những người trực tiếp ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975.

Anh hùng LLVT Nhân dân, Ðại tá Từ Ðễ kể chuyện cùng đồng đội lái máy bay A-37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975.

Thời điểm đó, Ðại tá Từ Ðễ đang công tác ở Ðại đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371. “Sau khi quân ta giải phóng Huế - Ðà Nẵng, Bộ Tổng tư lệnh và Quân chủng Phòng không - Không quân hình thành chiến thuật mới là dùng máy bay thu được của địch để đánh địch. Tôi là một trong những phi công được chọn thực hiện nhiệm vụ ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vì trước đó được đào tạo, lái máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất. Nhưng với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, chúng tôi học cách chuyển loại máy bay trong vài ngày thay vì mất ít nhất 3 tháng” - Ðại tá Từ Ðễ nhớ lại.

Sau khi giải phóng Ðà Nẵng, quân ta thu được nhiều máy bay cường kích A-37 do Mỹ chế tạo. Tuy nhiên, các máy bay đều hư hỏng. Quân chủng Phòng không - Không quân đưa cán bộ kỹ thuật giỏi vào sân bay Ðà Nẵng, đồng thời kêu gọi các kỹ thuật viên của không quân Việt Nam Cộng hòa ra trình diện, hỗ trợ sửa chữa. Sau một thời gian ngắn, 5 chiếc A-37 đã sẵn sàng chiến đấu.

Theo Ðại tá Từ Ðễ, trước khi phi đội tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, ông và đồng đội có 3 điều lo lắng là máy bay hỏng giữa đường bay, thời tiết xấu và bị “quân ta bắn quân mình” vì đây là nhiệm vụ bí mật. Phi đội Quyết Thắng bay tới Biên Hòa, thời tiết khá xấu, nhưng đến sân bay Tân Sơn Nhất thì trời quang đãng. Phi đội nhanh chóng dội bom, phá hủy 24 máy bay của địch, kho xăng, kho vũ khí… rồi bay về Phan Rang. Cuộc tập kích sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng được ví như “Cánh quân thứ 6” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giáng đòn chí mạng, làm tê liệt ý chí phản kháng của địch trước khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ðại úy Vũ Ðăng Toàn, nguyên Chính trị viên Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 là Trưởng xe tăng mang số hiệu 390. Xe tăng số hiệu 390 và xe tăng số hiệu 843 là 2 xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Ðộc Lập sáng 30-4-1975. Theo Ðại úy Vũ Ðăng Toàn, ngày 30-4, quân địch vẫn kháng cự quyết liệt khi quân ta tiến vào Sài Gòn. Tại cầu Sài Gòn, địch bố trí nhiều vũ khí, lực lượng để đối đầu với quân cách mạng. Sau khi tràn qua cầu Sài Gòn, lực lượng đột kích thọc sâu của Lữ đoàn Xe tăng 203 chia thành 2 mũi tiến về dinh tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Trận chiến trên đường phố vẫn diễn ra cho đến khi 2 xe tăng của quân ta đến trước Dinh Ðộc Lập...

Trước Dinh Ðộc Lập, xe tăng số hiệu 843 dừng lại ở cổng phụ do bị chết máy. Người lái chiếc xe tăng số hiệu 390 là Trung sĩ Nguyễn Văn Tập hỏi ý kiến Ðại úy Vũ Ðăng Toàn: “Bây giờ như thế nào anh?”. Ông Toàn lệnh cho xe tông thẳng vào cổng chính. Sau đó, ông Toàn xuống xe, tham gia hỗ trợ Ðại đội trưởng Bùi Quang Thận của xe tăng 843 bước vào Dinh Ðộc Lập để cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông Toàn chia sẻ: “Chúng tôi được lệnh ai đến trước thì cắm cờ. Khi chúng tôi bước vào, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ngụy quyền Sài Gòn đang chờ đầu hàng quân cách mạng ”.

Ông Nguyễn Khắc Nhu, nguyên Trợ lý tác chiến, Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 là một trong những người có mặt trên xe Jeep số hiệu 15770 - chiếc xe chạy phía sau 2 xe tăng tiến vào Dinh Ðộc Lập vào ngày 30-4-1975. Trong tấm ảnh của một nhà báo nước ngoài chụp cảnh Tổng thống Dương Văn Minh bị quân giải phóng áp giải đến Ðài Phát thanh Sài Gòn, ông Nguyễn Khắc Nhu là người mang súng ngắn đi phía sau. “Ông Minh đòi đi bằng xe bọc thép vì tình hình Sài Gòn đang hỗn loạn, nhưng anh Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 nói: “Chúng tôi đã có xe”. Sau đó, chúng tôi đưa ông Minh ra Ðài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Ông Dương Văn Minh đọc xong thì được đưa trở lại xe để về Dinh Ðộc Lập” - ông Nguyễn Khắc Nhu kể.

Tây Ðô anh hùng

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện qua sóng phát thanh. Ngụy quân, ngụy quyền nhiều nơi buông súng, đầu hàng. Tại Cần Thơ, thời điểm đó, tiếng súng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Ðô 3 cũng vừa dứt.

Anh hùng LLVT Nhân dân, Ðại tá Phạm Hồng Thấy (Bảy Thấy), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Ðô 3 kể: Từ tối 29-4, quân địch đã vượt sông Cần Thơ qua án ngữ trong vùng giải phóng. Ðến khoảng 5 giờ 30 phút, Tiểu đoàn Tây Ðô 3 được lệnh tấn công địch cho đến trưa, buộc chúng rút về Lộ Vòng Cung. Qua sóng vô tuyến bắt được của địch, ông Bảy Thấy yêu cầu địch bỏ súng, cởi áo để Tiểu đoàn Tây Ðô 3 đến tiếp nhận đầu hàng. Ðến khoảng 11 giờ 30 phút, toàn bộ địch đóng trên Lộ Vòng Cung đầu hàng. Tiểu đoàn Tây Ðô 3 chuẩn bị tiến vào nội ô Cần Thơ.

Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Ðô 3 áp giải tù binh đi trên Lộ Vòng Cung, ông Bảy Thấy lâng lâng niềm tự hào, xúc động trong ngày giải phóng vì chỉ khoảng 1 tháng trước, những trận chiến giữa địch với các đơn vị của Quân khu 9, Tiểu đoàn Tây Ðô 3 vẫn còn diễn ra ác liệt… Theo ông Bảy Thấy, sau nhiều thất bại trong Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng, địch rút về án ngữ dày đặc trên Lộ Vòng Cung. Chúng mở nhiều cuộc tấn công vào vùng giải phóng nhằm ngăn chặn quân cách mạng tiến vào Lộ Vòng Cung, kéo dài thời gian sụp đổ. Tiểu đoàn Tây Ðô 3 và các đơn vị Quân khu 9 đã anh dũng giữ vững trận địa, đập tan nhiều cuộc tấn công của địch trong tháng 4-1975.

Tối 30-4, Tiểu đoàn Tây Ðô 3 tiến đến nội ô Cần Thơ, đóng quân ở khu vực quanh cầu Nhị Kiều. Ðây là nơi có nhiều kỷ niệm với ông Bảy Thấy vào năm 1968. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ông Bảy Thấy bị thương nặng khi cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Ðô tấn công Dinh tỉnh trưởng Phong Dinh. Ông Bảy Thấy rút về nấp dưới dãy nhà sàn ven hồ Xáng Thổi. Ban đêm, ông lên bờ tìm đường ra nhưng gặp địch, phải quay trở lại. Cứ thế 3 đêm liền ông Bảy Thấy không ăn, không uống. Vết thương trên tay và chân ông chuyển sang màu xanh ngắt. “Tôi nhớ mãi đêm tôi rời nơi trú ẩn, tìm đường về đơn vị với cơ thể đầy vết thương, không nghĩ mình còn sống được. Ðến ngày giải phóng, tôi trở về cùng đồng đội, đóng quân gần nơi tôi cận kề cái chết trong niềm vui chiến thắng, đất nước hòa bình, thống nhất” - ông Bảy Thấy chia sẻ.

Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (bìa phải) chia sẻ kỷ niệm tham gia giải phóng Cần Thơ ngày 30-4-1975.

Trong cuộc giao lưu với các CCB tiến vào Dinh Ðộc Lập ngày 30-4-1975 có Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn rất xúc động khi nghe các CCB hào hùng kể về thời khắc đối mặt với Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ngụy quyền Sài Gòn. Tại Cần Thơ, chiều tối 30-4-1975, đồng chí Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ; ông Ba Ngay, Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, cùng các đồng chí trong Mặt trận tiền phương cũng tiến vào dinh Tỉnh trưởng Phong Dinh.

Trước đó, LLVT Cần Thơ cùng với các lực lượng chủ lực của Quân khu 9 tiến quân đánh chiếm trung tâm đầu não Vùng 4 chiến thuật và ngụy quyền, các nơi trọng yếu của địch. “Tại dinh tỉnh trưởng, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh Sư đoàn 21 của địch, hỏi “Các ông ở đâu mà ra sớm vậy?”. Tôi trả lời “Ở đâu có dân thì ở đó có quân giải phóng”...” - ông Ba Ngay kể.

50 năm sau, ông Ba Ngay vẫn nhớ nhiều kỷ niệm về ngày các cánh quân của Tiểu đoàn Tây Ðô, Biệt động Cần Thơ, địa phương quân, các đơn vị chủ lực của Quân khu 9… tiến vào giải phóng Cần Thơ. Quân cách mạng phối hợp nhịp nhàng với các cơ sở nội tuyến buộc địch đầu hàng, tiếp quản các nơi trọng yếu cũng như giữ gìn an ninh trật tự trong những ngày đầu giải phóng.

Xen lẫn niềm hạnh phúc, vui mừng trong ngày giải phóng là sự tiếc thương các đồng chí, đồng đội đã hy sinh trước ngày đất nước thống nhất. Ông Ba Ngay kỳ vọng: “Sự hy sinh, đóng góp của các thế hệ cha anh cho hòa bình hôm nay là rất lớn. Tôi mong các thế hệ hiện nay luôn giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, Quân đội Nhân dân Việt Nam và LLVT thành phố; ra sức học tập nâng cao trình độ, rèn luyện, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước... Ðặc biệt là mỗi cá nhân luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ”.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết