Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, nhiều tỉ phú công nghệ đã thể hiện sự ủng hộ tích cực dành cho người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump. Tuy nhiên, sự thiện cảm của họ vẫn không đảm bảo cơ hội tăng trưởng và mở rộng ảnh hưởng của giới tinh hoa Thung lũng Silicon.

Dàn tỉ phú tại lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters
Các tỉ phú công nghệ đã đổ hàng trăm triệu USD vào chiến dịch tranh cử cũng như quỹ nhậm chức của Tổng thống Trump. Trong nỗ lực giành thiện cảm với Nhà Trắng, tất cả đều kỳ vọng chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp và cắt giảm thuế, tạo điều kiện cho tăng trưởng và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Nhưng sau 100 ngày ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều công ty hàng đầu ở Thung lũng Silicon có lẽ phải thất vọng trước nguy cơ lợi nhuận bị ảnh hưởng do thuế quan và các chính sách gây gián đoạn khác. Theo ước tính, các doanh nghiệp lớn như Meta, Apple, Google, Tesla và Amazon đã mất tổng cộng gần 1.800 tỉ USD giá trị kể từ đầu năm nay.
“Nhiều công ty công nghệ xây dựng quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhưng con đường này với họ ngày càng gập ghềnh. Bởi việc Tổng thống Trump gặp gỡ các CEO không có nghĩa là ông ấy làm theo khuyến nghị của họ” - chuyên gia Darrell West thuộc Viện Brookings cho biết.
Một trong các công ty công nghệ hàng đầu (Big Tech) đang chịu mất mát to lớn có thể kể đến Tesla và CEO Elon Musk. Vị tỉ phú này đã dốc toàn lực cho chiến dịch tranh cử của ông Trump khi quyên góp ít nhất 290 triệu USD, sau đó còn góp mặt trong Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Nhưng đổi lại, giá trị tài sản ròng của người giàu nhất thế giới đã giảm 143 tỉ USD kể từ đầu năm 2025. Cổ phiếu Tesla cũng tụt 28% trong khi vốn hóa thị trường của công ty giảm 376 tỉ USD. Theo thăm dò dư luận, người Mỹ chán ghét việc ông Musk gia nhập DOGE, thậm chí coi đây là gánh nặng chính trị.
Cùng chịu tổn thất còn có Meta, một trong những công ty lớn đầu tiên quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của Tổng thống Trump. CEO Mark Zuckerberg còn gặp ông Trump nhiều lần để thảo luận các ưu tiên chính sách. Tuy nhiên, thống kê cho thấy giá trị tài sản ròng của Zuckerberg đã “bốc hơi” 26 tỉ USD trong khi giá cổ phiếu Meta giảm gần 2,25% kể từ đầu năm 2025. Dưới ảnh hưởng thuế quan, công ty có thể mất thêm 7 tỉ USD khi các doanh nghiệp Trung Quốc là nhà quảng cáo số 1 tính theo doanh thu trên Meta. Meta gần đây còn vướng vào phiên tòa của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) với cáo buộc lạm dụng quyền lực thị trường thâu tóm Instagram và WhatsApp.
Một ông lớn khác cũng “mắc kẹt” trong cuộc chiến pháp lý là Google. Hồi tháng 1, Google quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của Tổng thống Trump và phát trực tiếp sự kiện này trên YouTube. CEO công ty mẹ Alphabet, Sundar Pichai còn gặp ông Trump tại dinh thực Mar-a-Lago sau cuộc bầu cử. Nhưng điều này không giúp Google thoát khỏi các vụ kiện vi phạm luật chống độc quyền của Bộ Tư pháp. Hiện cổ phiếu của Google tụt 16,2% và định giá công ty giảm 386 tỉ USD.
❝ 29-4 được đánh dấu là tròn 100 ngày đầu cầm quyền nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, theo một số cuộc thăm dò dư luận công bố hôm 27-4, ông Trump bị đánh giá là vị tổng thống Mỹ có tỷ lệ người dân tán thành thấp nhất trong 100 ngày đầu cầm quyền kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ dao động từ 39-45%.
|
Năm ngoái, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos là người đứng sau quyết định gây tranh cãi của tờ Washington Post không ủng hộ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng sau đó, ông đã nhanh chóng chúc mừng chiến thắng “phi thường” của Tổng thống Trump và quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức. Bất chấp nỗ lực tiếp cận Nhà Trắng, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Bezos đã giảm 47 tỉ USD trong khi cổ phiếu của Amazon tụt 13% tính đến hiện tại. Giống Meta, Amazon đang đối mặt vụ kiện chống độc quyền từ FTC.
Trong số các nhân vật dự lễ nhậm chức, CEO Apple Tim Cook đầu năm nay đã trao cho Tổng thống Trump “chiến thắng chính trị” khi công bố khoản đầu tư 500 tỉ USD vào các cơ sở của Mỹ trong 4 năm tới. Đại diện nhà táo còn quyên góp 1 triệu USD cho ủy ban nhậm chức sau cuộc gặp với ông Trump tại Mar-a-Lago để thảo luận thuế quan và các quy định về công nghệ của châu Âu. Nhưng hiện tại, Apple dự kiến chịu tác động đặc biệt lớn từ chính sách thuế khi dây chuyền sản xuất những sản phẩm chủ lực của hãng đặt tại các thị trường nước ngoài như Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến nay, cổ phiếu của công ty đã giảm 18,5% và xóa sạch 638 tỉ USD vốn hóa thị trường của công ty.
Trong đánh giá chung, Viện Brookings nói rằng những tổn thất hiện nay với nhóm Big Tech cho thấy Thung lũng Silicon sẽ đối mặt loạt thách thức mới sau những bất ổn xung quanh kế hoạch thuế quan. Thậm chí, thuế quan đối ứng kéo theo bất ổn kinh tế có thể giảm 25% thu nhập của các công ty công nghệ. Nhưng trong tương lai gần, các tỉ phú được dự đoán tiếp tục quan hệ gần gũi với Nhà Trắng ngay cả khi không đảm bảo lợi nhuận, một phần vì Tổng thống Trump vẫn nuôi tham vọng mở rộng dấu ấn ngành công nghệ trong nước và củng cố vị thế của nước Mỹ là quốc gia dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, những ông lớn trong ngành hy vọng sẽ đạt được lợi ích nhất định, chẳng hạn như nới lỏng quy định hay giảm áp lực chống độc quyền.
MAI QUYÊN (Theo CNN, Business Insider)