Theo đánh giá cơ quan chức năng, hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Cần Thơ căn bản được kiềm chế, song vẫn còn diễn biến phức tạp. Qua các vụ án cho thấy thủ đoạn tội phạm này ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, để sự việc xảy ra, phía bị hại cũng có phần lỗi. Nhiều trường hợp quá mất cảnh giác, không tìm hiểu kỹ càng, đặt lòng tin không đúng chỗ, vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu hành động.

Bị cáo Phan Thị Phương Liên.
Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ vừa tuyên phạt Phan Thị Phương Liên (sinh năm 1988, ngụ tỉnh Kiên Giang) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất trong giao dịch lần thứ nhất và tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất trong lần giao dịch kế tiếp.
Theo cáo trạng, khoảng năm 2016, chị N được cha cho thửa đất tại quận Ninh Kiều và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Chị N gửi giấy CNQSDĐ cho anh trai và chị dâu (bị cáo Liên) cất giữ. Đầu năm 2019, do thiếu nợ không có tiền trả nên Liên nảy sinh ý định lấy giấy đất của chị N thế chấp vay tiền trả nợ. Liên mạo danh chị N xin xác nhận tình trạng độc thân. Khi có giấy xác nhận, Liên xuất trình hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy CNQSDĐ và giả chữ ký, chữ viết của chị N, ra công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà L để vay 200 triệu đồng. Đầu tháng 2-2019, bà L được chỉnh lý sang tên trên giấy CNQSDĐ.
Chưa dừng lại ở đó, Liên gặp ông T thỏa thuận bán thửa đất trên với giá 920 triệu đồng, ông T đồng ý. Liên yêu cầu bà L ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên cho ông T tại văn phòng công chứng, sau đó ông T được cấp giấy CNQSDĐ. Số tiền nhận được từ ông T, Liên trả tiền vay và lãi suất cho bà L 280 triệu đồng, phần còn lại chi xài cá nhân. Giữa năm 2020, chị N phát hiện nên tố giác hành vi của chị dâu đến cơ quan chức năng.
Vụ việc được đưa ra xét xử vào giữa tháng 3-2025. Liên thừa nhận việc làm sai trái, mong được khoan hồng để sớm được về nuôi con. Theo Hội đồng xét xử, hành vi bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, cần xử lý nghiêm để răn đe…
Trần Thị Hồng Em (49 tuổi), không có nghề nghiệp ổn định, thuê trọ ở huyện Cờ Đỏ. Thấy nhiều người trên địa bàn có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, Hồng Em “nổ” quen biết rộng, có khả năng làm hồ sơ sang Hàn Quốc, thủ tục nhanh, dễ dàng, giá 70 triệu đồng/người. Tin vào những lời đường mật và tương lai nơi xứ người mà Hồng Em vẽ ra, 116 bị hại đã sập bẫy. Khi không được đưa đi, các bị hại đòi lại tiền không được nên tố giác. Theo thống kê, Hồng Em chiếm đoạt trên 840 triệu đồng. Cuối năm 2024, Hồng Em bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt 15 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Nguyễn Phạm Tố Uyên (48 tuổi, ngụ quận Cái Răng) quen biết chị H và chị M ở quận Ninh Kiều. Cuối năm 2022, đang trong lúc cần tiền trả nợ, thấy các chị này có điều kiện kinh tế khá giả, Uyên dựng màn kịch rủ mua bán bất động sản, kiếm lời. Uyên nói có nhiều mối cần chuyển nhượng nhà và đất gấp, không đủ tiền đặc cọc, kêu 2 chị này hùn mua. Để tạo lòng tin, những lần đầu, Uyên gởi tiền gốc sớm với lợi nhuận cao. Tiếp đó, Uyên đưa ra thông tin gian dối về những phần đất đặt mua, tìm cách trì hoãn khi các bị hại yêu cầu coi giấy tờ, đòi lại tiền. Bằng thủ đoạn này, Uyên chiếm đoạt trên 2,6 tỉ đồng; đã khắc phục trên 1,1 tỉ đồng. Trả giá cho hành vi gian dối, năm 2024, Uyên bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt 13 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Để lừa gạt những con mồi nhẹ dạ, Lê Thanh Thuận (37 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) lập tài khoản giả, truy cập vào mục hẹn hò trên mạng xã hội, giới thiệu là người môi giới cho các cặp đôi có nhu cầu tìm hiểu nhau. Khi có người tương tác, Thuận sắp xếp cuộc gặp giữa các bên và hẹn tại địa điểm phía trước một ngân hàng tại quận Ninh Kiều. Sau đó, Thuận đóng vai người nam, tiếp cận các cô gái, lấy lý do mượn xe đi công việc rồi chạy mất. Với phương thức này, Thuận chiếm đoạt 6 mô tô, trị giá trên 110 triệu đồng. Cuối năm 2024, TAND quận Ninh Kiều tuyên phạt Thuận 4 năm tù…
Ngoài các hình thức lừa đảo trên, hiện nay, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn như lừa đảo trúng thưởng; giả danh cán bộ làm việc tại Bộ Công an hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị mất để tiếp tục chiếm đoạt tài sản; sử dụng kịch bản “thanh lý đồ điện tử giá rẻ” nhằm chiếm đoạt tài sản; kêu gọi từ thiện; lừa đảo liên quan tới ứng dụng VssID giả mạo; ghép mặt, giả giọng nói... Cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan và thường xuyên tuyên truyền thủ đoạn các đối tượng để người dân cảnh giác. Để tránh trở thành nạn nhân, trong các mối quan hệ, giao dịch, làm ăn, liên quan giấy tờ, người dân đừng quá cả tin vẻ hào nhoáng bên ngoài, những lời nói ngon ngọt, mà cần thận trọng tìm hiểu kỹ càng. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần nhanh chóng báo cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại.