Sau gần 1 năm hợp tác với doanh nghiệp xây dựng hồ bơi di động trong trường học, chương trình phổ cập bơi cho học sinh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Công tác xã hội hóa hoạt động phổ cập bơi nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ em đang chứng tỏ hiệu quả và ngày càng lan tỏa…
Các em học sinh tham gia cuộc thi bơi trong ngày tổng kết khóa học vào cuối tháng 8 tại hồ bơi Trường Tiểu học An Bình 1.
Theo học lớp dạy bơi tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản trong mùa hè vừa qua, bé Nguyễn Bùi Gia Hân, học sinh lớp 2, đã có thể bơi thành thạo và nhanh nhẹn. Anh Nguyễn Thanh Liêm, cha của Gia Hân, cho biết: “Con tôi tham gia học bơi 2 khóa, nay đã bơi khá giỏi, nên rất mừng. Bé còn tham gia cuộc thi bơi ở trường sau khi kết thúc khóa học”. Cùng với Gia Hân, khoảng 370 em học sinh đã được phổ cập bơi, phòng chống đuối nước sau khóa học mùa hè. Có được kết quả này là nhờ trước đó, Trường Tiểu học Võ Trường Toản đã phối hợp với Công ty TNHH Kim Lộc Phát xây dựng hồ bơi di động, có lắp đặt mái che từ đầu năm 2024, nhằm thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh tiểu học.
Ngoài hồ bơi tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Công ty Kim Lộc Phát cũng đã đưa vào hoạt động các hồ bơi tại Trường Tiểu học An Bình 1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trường Tiểu học Long Tuyền 2. Các hồ bơi đều hoạt động hiệu quả, trong đó sôi nổi nhất là tại Trường Tiểu học An Bình 1, với 380 em đăng ký học bơi trong mùa hè vừa qua. Thầy Hồ Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Bình 1, cho biết việc hợp tác xã hội hóa nhằm thực hiện chương trình phổ cập bơi trong trường học thời gian qua đạt hiệu quả tốt. Số học sinh không biết bơi trong trường đã giảm mạnh kể từ khi có hồ bơi ngay tại trường. Theo thống kê sơ bộ, khoảng 500 học sinh của trường đã biết bơi sau các khóa học bơi. Hiện, trường đang xúc tiến mở khóa mới vì phụ huynh rất ủng hộ, hưởng ứng chương trình. Không chỉ học sinh ở trường, nhiều em từ một số trường khác cũng đăng ký học bơi tại hồ bơi này. Thầy Hoàng Tuấn nói: “Chúng tôi tiếp tục vận động để đạt mục tiêu khoảng 50% học sinh của trường biết bơi”. Trường Tiểu học An Bình 1 hiện có hơn 1.500 học sinh.
Trong khi đó, hồ bơi tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Tiểu học Long Tuyền 2 vừa đi vào hoạt động cũng thu hút lần lượt 250 em và 101 em học sinh đăng ký học bơi. Tỷ lệ học sinh biết bơi sau các khóa học đạt trên 80%.
Việc phổ cập bơi trong các trường học là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, nỗ lực phổ cập bơi cho trẻ em trong những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một phần do địa phương không có hoặc thiếu hồ bơi. Vì vậy, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đầu tư hồ bơi di động đến các trường học để dạy bơi với chi phí hợp lý cho thấy mang lại hiệu quả tốt. Theo mô hình này, học sinh đóng 700.000 đồng cho một khóa học bơi cơ bản.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, trong năm học 2023-2024 vừa qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức Chương trình giảng dạy phổ cập bơi cho học sinh cấp tiểu học, THCS giai đoạn 2023-2030. Có 39 công chức, viên chức tham dự tập huấn đánh giá trẻ em biết bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hiện tại, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo Quyết định số 53/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, các trường cũng sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị dành cho giáo dục thể chất, hoạt động thể thao tại đơn vị; phối hợp với cơ quan quản lý về thể dục, thể thao tại địa phương trong việc hỗ trợ sử dụng các công trình thể thao trên địa bàn cho học sinh tập luyện, thi đấu.
Bài, ảnh: TÂN PHÚ