23/09/2024 - 08:29

Thái Lan cảnh giác trước ảnh hưởng của Trung Quốc 

Trong những năm gần đây, quan hệ Thái Lan - Trung Quốc ngày càng ấm nồng, đặc biệt là sau khi Bangkok và Bắc Kinh nhất trí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầy tham vọng nhằm kết nối Thái Lan với Trung Quốc qua Lào. Tuyến đường sắt dài 873km, dự kiến đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến trong năm 2030 hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho cả 2 nước, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và tăng cường kết nối khu vực.

Một đoạn đường sắt cao tốc kết nối Thái Lan với Lào. Ảnh: VCG

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Juangroongruangkit, dự án xây dựng tuyến đường sắt trị giá khoảng 341 tỉ baht (tương đương 9,3 tỉ USD) nói trên được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ thủ đô Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima (dài 252km) đang được triển khai, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2028. Giai đoạn 2 xây dựng đoạn từ tỉnh Nakhon Ratchasima lên tỉnh Nongkhai, giáp biên giới với thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án, Thái Lan sẽ xây dựng cây cầu đường sắt bắc qua sông Mekong, nối Nongkhai với Viêng Chăn.

Cả Thái Lan và Trung Quốc đều xác định dự án này là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” do Trung Quốc khởi xướng, hướng tới hình thành hệ thống đường sắt xuyên  châu Á. Song, những tác động chiến lược của dự án đã gây ra lo ngại ở Thái Lan. Một số người quan ngại Trung Quốc có thể tận dụng cơ sở hạ tầng này trong một cuộc xung đột trong lương lai với Mỹ và các đồng minh châu Á, biến nó từ tài sản kinh tế thành công cụ chiến lược địa chính trị.

Panitan Wattanayagorn, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng trong thời chiến, sáng kiến BRI cùng với các cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở châu Á sẽ là mục tiêu chính của các siêu cường, đặc biệt là Mỹ và đồng minh. Theo ông Panitan, nếu xung đột nổ ra giữa Bắc Kinh và Washington, Bangkok có thể buộc phải chọn bên và bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình. Ông Panitan cho rằng Thái Lan có khả năng đứng về phía Trung Quốc để bảo vệ các dự án thuộc sáng kiến BRI. Và nếu xung đột giữa Bắc Kinh và Washington thật sự nổ ra, tuyến đường sắt cao tốc nói trên cùng các khoản đầu tư khác của Trung Quốc có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng cho mục đích quân sự, kéo Bangkok vào sâu hơn trong căng thẳng địa chính trị.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan ngày càng “ngã về” Trung Quốc. Thái Lan phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí do Trung Quốc sản xuất, gồm xe tăng, tàu ngầm, trong khi áp dụng chiến lược cân bằng quyền lực trong quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Bắc Kinh đã tạo ra nhiều thách thức kinh tế đối với Bangkok, bởi hàng hóa Trung Quốc, từ nông sản cho tới xe điện, tràn ngập thị trường Thái Lan, làm tăng thâm hụt thương mại giữa 2 nước. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Thái Lan và Trung Quốc đạt gần 119 tỉ USD nhưng Thái Lan thâm hụt tới 28 tỉ USD. Đến giữa năm 2024, mức thâm hụt tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước do lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 7%.

Trong khi Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, hàng nhập khẩu Trung Quốc lại thống trị thị trường trong nước trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc mang lại cho người tiêu dùng Thái Lan nhiều mặt hàng với mức giá thấp hơn. Chính làn sóng hàng hóa Trung Quốc này đã tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, gần 700 nhà máy ở Thái Lan đã đóng cửa, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các ngành công nghiệp trong nước phải vật lộn để cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn.

Mới đây, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nói với quốc hội rằng bà sẽ xoay chuyển tình thế về thương mại trong khi vẫn duy trì chính sách đối ngoại hòa bình với Trung Quốc. “Chính phủ sẽ hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi các hoạt động thương mại không công bằng của nước ngoài, đặc biệt là từ các nền tảng trực tuyến” - bà Paetongtarn tuyên bố, qua đó cam kết sẽ thúc đẩy “chính sách nhất quán và rõ ràng, hợp tác với các quốc gia để tích cực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết