24/08/2024 - 22:12

Thụy Sĩ bị “kẹt” giữa Trung Quốc và Mỹ 

Năm 2013, hàng chục đại điện doanh nghiệp Thụy Sĩ háo hức tới thủ đô Bắc Kinh để tham dự lễ ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa nước này và Trung Quốc. Ðược triển khai năm 2014, FTA giữa Bern và Bắc Kinh khi đó được ca ngợi như một hiệp định mang tính bước ngoặt, giúp “viết lại bối cảnh thương mại quốc tế” và có thể góp phần vào công cuộc “tái công nghiệp hóa Thụy Sĩ”. Nhiều người còn coi FTA này là tiền thân cho một thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp Tổng thống Thụy Sĩ  Viola Amherd hồi tháng 1-2024 tại Bern. Ảnh: Reuters

10 năm trôi qua, thỏa thuận trên sắp được tái ký kết nhưng niềm hân hoan lại không còn, phản ánh môi trường địa chính trị đã thay đổi do sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra. Một số người còn đặt nghi vấn liệu các cuộc đàm phán nhằm tái ký kết FTA có mang lại kết quả hay không.

Mối lo ngại về số phận của FTA nói trên là dấu hiệu cho thấy Thụy Sĩ nói chung và các công ty của nước này nói riêng đang bị “kẹt” giữa Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh Washington có động thái cản trở Bắc Kinh tiếp cận công nghệ tiên tiến trong khi EU ngày càng liên kết chặt chẽ với Mỹ. Ðơn cử, công ty công nghiệp khổng lồ ABB của Thụy Sĩ hồi đầu năm nay đã phải đối mặt với sự giám sát của Mỹ, bởi Washington cho rằng công ty này tiềm ẩn “rủi ro an ninh mạng, mối đe dọa tình báo nước ngoài và lỗ hổng chuỗi cung ứng”, giữa lúc ABB “bắt tay” với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cung cấp cần cẩu cho các cảng biển xứ cờ hoa.

Hiện ngành công nghiệp dược phẩm cùng với ngành công nghiệp sinh học của Thụy Sĩ, vốn chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu trị giá 157 tỉ USD của nước này, đang trong tình trạng thấp thỏm trong bối cảnh Ðạo luật an toàn sinh học đang được Quốc hội Mỹ xem xét, trong đó dự kiến sẽ bao gồm lệnh cấm các cơ quan nhà nước hợp tác với các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc, chẳng hạn như Wuxi AppTec, vì lý do an ninh. Trong khi Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với các công ty dược phẩm Thụy Sĩ thì các công ty Trung Quốc giữ vai trò chủ chốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nghiên cứu lâm sàng cho đến cấp phép. Michael Altorfer, Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghệ sinh học Thụy Sĩ, cho rằng đạo luật này “là giai đoạn tiếp theo của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ”.

Chưa kể, Thụy Sĩ gần đây còn bị các đối tác phương Tây chỉ trích vì từ chối gửi vũ khí tới Ukraine cũng như bị cho lơ là trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Sự hợp tác của Thụy Sĩ với Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi. Bắc Kinh đã dỡ bỏ các yêu cầu về thị thực đối với du khách và doanh nhân Thụy Sĩ vào tháng 1 khi Thủ tướng Lý Cường đến thăm và đặt nền móng cho bản ghi nhớ nhằm hiện thực hóa ý định hiện đại hóa FTA song phương. Song, điều này không ngăn được Trung Quốc “tẩy chay” hội nghị hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ làm trung gian hồi tháng 6. Trong khi đó, Syngenta, công ty công nghệ nông nghiệp toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ nhưng thuộc sở hữu của tập đoàn Sinochem của Trung Quốc, đã rút đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với giá trị 9 tỉ USD tại Thượng Hải - dấu hiệu cho thấy những rủi ro pháp lý mà các công ty nước ngoài phải đối mặt ở Trung Quốc.

Theo dữ liệu hải quan Thụy Sĩ, khối lượng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm như máy móc, dược phẩm và đồng hồ, vượt xa khối lượng xuất khẩu các sản phẩm tương tự từ EU hoặc Mỹ sang Trung Quốc, tăng 75% kể từ khi FTA được ký kết, so với mức tăng 54% của EU và 20% của Mỹ trong cùng thời kỳ. “Việc một ngày nào đó Mỹ sẽ nói rằng chúng tôi phải dừng ngay việc xuất khẩu sang Trung Quốc là nỗi sợ hãi hàng đầu của nhiều công ty. Việc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là thảm họa đối với họ. Việc rút khỏi Trung Quốc là điều không thể, bởi điều này sẽ tương đương với việc cắt bỏ một phần công ty” - Jean-Philippe Kohl, Phó Giám đốc Hiệp hội các ngành công nghiệp cơ khí và kỹ thuật điện Thụy Sĩ, lo ngại.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết