13/09/2024 - 08:00

Telegram trở thành “sân chơi” của tội phạm, khủng bố 

Ðối với hàng triệu người dùng Telegram, ứng dụng này phục vụ cho mục đích giải trí, học tập hay xem mẹo đầu tư. Nhưng mặt tối là Telegram đang trở thành “sân chơi” cho tội phạm hoạt động, truyền tải thông tin sai lệch, phân phối tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em, khủng bố và kích động phân biệt chủng tộc trên toàn cầu.

Nhiều hình ảnh mang tính bạo lực được chia sẻ trên Telegram. Ảnh: Chosun.com

Phát hiện trên đến từ một cuộc điều tra kéo dài 4 tháng của báo New York Times (NYT, Mỹ), dựa trên việc phân tích hơn 3,2 triệu tin nhắn từ hơn 16.000 kênh trên Telegram. Theo  cuộc điều tra, Telegram có đến 1.500 kênh được điều hành bởi những người theo chủ nghĩa “da trắng thượng tôn”, phối hợp hoạt động giữa gần 1 triệu người trên khắp thế giới. Ít nhất 20 kênh bán vũ khí xuất hiện trên Telegram.

Ðáng chú ý, các tổ chức như lực lượng Hamas, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố khác cũng phát triển mạnh trên Telegram, thu hút đông đảo người theo dõi trên hàng chục kênh. Khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10-2023, nhóm đã thông báo và bắt đầu đăng tải video chỉ trong vòng 2 tiếng rưỡi sau cuộc tấn công đầu tiên. Telegram trở nên hữu ích với Hamas đến mức họ chuyển sang nền tảng này nhiều hơn là Android Al-Qassam Brigades, ứng dụng chính thức mà Hamas đã xây dựng để giao tiếp với những người ủng hộ.

Thị trường đen cho tội phạm

Do có kết hợp tính năng ẩn danh của dark web (những trang web hoạt động mà không cần phải đăng ký), Telegram có thể được sử dụng như một thị trường trực tuyến. Việc tìm kiếm và tiếp cận các kênh bán súng, ma túy bất hợp pháp, thuốc theo toa và thẻ ATM sao chép trên nền tảng này rất dễ dàng. Một lý do khác khiến Telegram trở thành “thiên đường” cho hoạt động như vậy bắt nguồn từ các tính năng độc đáo như “kênh” và “siêu nhóm”, mà các đối thủ như WhatsApp chậm hơn trong việc bổ sung.

Ðược biết, Telegram ban đầu chỉ là một dịch vụ nhắn tin văn bản tiêu chuẩn như iMessage hoặc WhatsApp, nhưng phát triển nhanh chóng sau khi bổ sung tính năng phát sóng vào năm 2014. Nhằm thu hút thêm người dùng mới, Telegram sau đó giới thiệu tính năng “siêu nhóm”. Trong khi WhatsApp giữ quy mô trò chuyện nhóm ở mức hàng trăm và hạn chế chia sẻ liên kết để ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, thì Telegram làm ngược lại và liên tục nâng giới hạn quy mô nhóm. Ðến năm 2019, một quản trị viên nhóm có thể điều hành các nhóm trò chuyện với quy mô tương đương một thành phố, với 200.000 người dùng. Ban đầu, công cụ này thu hút những người dùng mới quan tâm đến lĩnh vực đầu tư tiền điện tử. Nhưng nó cũng thu hút cả những phần tử cực đoan, tội phạm buôn bán thông tin sai lệch và những người bán hàng hóa bất hợp pháp.

Bất chấp thực trạng đó, Telegram không dành nhiều nguồn lực để loại bỏ những hoạt động nguy hiểm trên nền tảng của họ. Ngay cả khi Telegram đạt tới con số 1 tỉ người dùng, công ty vẫn có cách hành xử khác biệt so với các công ty công nghệ ngang hàng. Telegram đặt trụ sở chính tại thành phố Dubai ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hoạt động như một công ty mới khởi nghiệp, với khoảng 60 nhân viên toàn thời gian. Công ty thường bỏ qua hầu hết các yêu cầu hỗ trợ từ các cơ quan thực thi pháp luật. Các cựu nhân viên Telegram tiết lộ phần thư đến trong một hộp thư điện tử, được dùng để tiếp nhận yêu cầu kiểm tra từ các cơ quan chính phủ, hiếm khi được xem đến.

Trong khi đó, Instagram, YouTube và TikTok có các bộ phận chuyên tuân thủ các yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật và hàng ngàn người kiểm duyệt nội dung đang rà soát các dịch vụ của họ để tìm tài liệu bất hợp pháp và độc hại.

Do hoạt động như một tổ chức không quốc tịch, nên Telegram từ lâu đã hành xử theo kiểu đứng ngoài luật pháp, nhưng điều đó có thể đang thay đổi. Tháng trước, ông Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram và là người gốc Nga, đã bị bắt và bị buộc tội tại Pháp vì không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và đồng lõa trong các tội ác được thực hiện trên Telegram, bao gồm phân phối tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và lừa gạt. Liên minh châu Âu cũng đang tìm hiểu về việc giám sát Telegram theo Ðạo luật dịch vụ kỹ thuật số, một đạo luật buộc các nền tảng trực tuyến lớn phải kiểm soát dịch vụ của mình chặt chẽ hơn.

NGUYỆT CÁT (Theo NYT)

 

Chia sẻ bài viết