10/09/2024 - 22:56

Ấn Độ đứng đầu thế giới về ô nhiễm nhựa 

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho biết, Ấn Ðộ chịu trách nhiệm về 20% tình trạng ô nhiễm nhựa trên thế giới.

Thu gom rác thải nhựa tại Ấn Độ. Ảnh: AP

Theo nghiên cứu, mỗi năm, Ấn Ðộ thải ra 9,3 triệu tấn ô nhiễm nhựa, bao gồm 5,8 triệu tấn bị đốt và 3,5 triệu tấn thải ra môi trường. Con số này vượt xa các quốc gia khác như Nigeria (3,5 triệu tấn), Indonesia (3,4 triệu tấn) và Trung Quốc (2,8 triệu tấn).

Nghiên cứu do các chuyên gia Ðại học Leeds thực hiện ước tính có 251 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm trên toàn cầu. Trong đó, 52,1 triệu tấn (khoảng 1/5) “không được quản lý” và thải trực tiếp ra môi trường. Rác thải nhựa “không được quản lý” bao gồm rác không được thu gom, trở thành nguồn ô nhiễm hệ sinh thái toàn cầu hoặc bị đốt ngoài trời. Việc đốt rác tạo ra các hạt mịn và khí độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể giữa Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu về ô nhiễm nhựa. Khoảng 69% ô nhiễm nhựa toàn cầu xảy ra ở 20 quốc gia, không có quốc gia nào trong số đó thuộc nhóm thu nhập cao (HIC). Các nước HIC, chủ yếu ở Bắc Bán cầu, tuy tạo ra nhiều rác thải nhựa hơn nhưng có hệ thống quản lý rác thải hiệu quả.

Ở Nam Bán cầu, đốt ngoài trời là phương pháp xử lý rác thải nhựa phổ biến nhất, ngoại trừ châu Phi cận Sahara. Nguyên nhân chính là do thiếu cơ sở hạ tầng quản lý chất thải đầy đủ ở các khu vực này.

NGỌC THÚY

Chia sẻ bài viết