10/09/2024 - 22:53

Trung Quốc quyết dẫn đầu cuộc đua lên sao Hỏa 

Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử nhằm đưa các mẫu vật từ sao Hỏa về Trái đất vào năm 2028, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch trước đó.

Trung Quốc phóng tàu thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn-1 vào năm 2020. Ảnh: Reuters

Ông Lưu Kỷ Trung, nhà thiết kế trưởng sứ mệnh Thiên Vấn-3 của Trung Quốc, cho biết sứ mệnh này sẽ thực hiện 2 vụ phóng “vào năm 2028” để thu thập khoảng 600gr mẫu đất đá từ sao Hỏa. Mốc thời gian thay đổi so với dự kiến ban đầu là năm 2030, cho thấy Bắc Kinh tự tin vào năng lực phát triển công nghệ để đáp ứng sứ mệnh khám phá sao Hỏa. Nếu đảm bảo tiến độ, sứ mệnh Thiên Vấn-3 dự kiến đưa các mẫu vật sao Hỏa về Trái đất vào tháng 7-2031.

Theo ông Lưu, Trung Quốc sẽ hợp tác quốc tế xung quanh sứ mệnh Thiên Vấn-3, bao gồm vận chuyển hàng hóa của các nước khác, chia sẻ mẫu vật và dữ liệu, cũng như lập kế hoạch cho hoạt động nghiên cứu sao Hỏa trong tương lai.

Ưu tiên chính của sứ mệnh Thiên Vấn-3 là tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Sứ mệnh cũng sẽ cố gắng đạt được những đột phá về mặt kỹ thuật trong việc lấy mẫu vật, cất cánh từ bề mặt sao Hỏa và thực hiện một cuộc hội ngộ giữa các tàu vũ trụ trên quỹ đạo “hành tinh đỏ”.

Theo Namrata Goswami, nhà nghiên cứu chính sách không gian thuộc Ðại học bang Arizona (Mỹ), quốc gia nào hoàn thành sứ mệnh tại sao Hỏa trước tiên sẽ đi đầu trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ.

Các sứ mệnh bay lên sao Hỏa

Từ lâu, các nhà khoa học đã xác định sao Hỏa là điểm đến nghiên cứu quan trọng, có thể hé lộ thông tin về sự tồn tại của sự sống bên ngoài Trái đất và nguồn gốc của con người trong hệ Mặt trời.

Chuỗi nhiệm vụ thám hiểm hành tinh của Thiên Vấn đã gặt hái thành công đầu tiên vào năm 2021, khi tàu thăm dò Thiên Vấn-1 tiếp cận quỹ đạo sao Hỏa và triển khai xe tự hành Chúc Dung lên bề mặt hành tinh này. Cuộc đổ bộ của Chúc Dung đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Liên Xô và Mỹ hạ cánh xuống sao Hỏa.

Nhiệm vụ chính của robot tự hành khi đó là tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại và nghiên cứu khoáng sản, môi trường và sự phân bố nước, băng trên đồng bằng. Khảo sát ban đầu của xe tự hành cho thấy lưu vực Utopia Planitia từng chứa nước trong khoảng thời gian hàng chục triệu năm trước.

Xe Chúc Dung được thiết kế để hoạt động trong 90 ngày trên sao Hỏa, nhưng nó đã hoạt động tới 358 ngày và di chuyển 1.921m trên hành tinh này. Xe rơi vào trạng thái ngủ đông hồi tháng 5-2022 do bị tích tụ bụi.

Trong khi đó, Mỹ thực hiện cuộc hạ cánh trên sao Hỏa đầu tiên vào năm 1976 với sứ mệnh Viking 1, bao gồm một tàu đổ bộ hoạt động trong hơn 6 năm. Kỳ tích này vượt qua tàu vũ trụ Mars 3 mà Liên Xô phóng lên bề mặt sao Hỏa năm 1971.

Chuyến hạ cánh gần đây nhất của Mỹ trên sao Hỏa là xe tự hành Perseverance của Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA). Kể từ khi đáp xuống miệng núi lửa Jezero vào năm 2021, Perseverance đã lấp đầy 25 ống mẫu vật và dự kiến được đưa về thông qua nhiệm vụ Trả lại mẫu vật sao Hỏa (MSR). NASA đặt mục tiêu đưa các mẫu vật trở về Trái đất vào năm 2033. Tuy nhiên, đã có sự không chắc chắn xung quanh MSR kể từ tháng 9 năm ngoái, khi một đánh giá độc lập phát hiện nhiệm vụ này sẽ tốn tới 11 tỉ USD và sẽ không hoàn thành cho đến tận năm 2040.

Do vậy, vào tháng 6 vừa rồi, NASA đã yêu cầu 7 công ty hàng không vũ trụ, bao gồm SpaceX, Blue Origin và Lockheed Martin, giới thiệu các giải pháp “sáng tạo” để giúp vận chuyển các mẫu vật sao Hỏa với tốc độ nhanh và chi phí thấp hơn.

Ấn Độ đã công bố sứ mệnh hạ cánh trên sao Hỏa vào năm 2025 bằng một xe tự hành và một trực thăng. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng có kế hoạch phóng xe tự hành ExoMars vào năm 2028.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, SCMP)

 

Chia sẻ bài viết