10/09/2024 - 08:33

Ấn Độ trong cuộc đua AI toàn cầu 

Tỉ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani cho biết tập đoàn năng lượng Reliance Industries sắp cho ra mắt “JioBrain” - bộ công cụ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được cho sẽ giúp chuyển đổi một loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng, dệt may, viễn thông…

CEO Nvidia Jensen Huang (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: NDTV

“Bằng cách hoàn thiện JioBrain, chúng tôi sẽ tạo ra một nền tảng dịch vụ AI mạnh mẽ, có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khác” - ông Ambani tuyên bố.

Phát biểu của ông Ambani được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ nổi lên như một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái AI toàn cầu, sở hữu ngành công nghiệp phần mềm được định giá 227 tỉ USD hồi năm 2022 và dự kiến sẽ đạt con số 350 tỉ USD vào năm 2026, tạo thành xương sống cho năng lực công nghệ của quốc gia Nam Á này.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ cũng có lực lượng lao động hùng hậu, với gần 5 triệu lập trình viên tại thời điểm nhân tài AI đang thiếu hụt trên toàn cầu. Chưa kể, nước này hàng năm đào tạo ra 1,5 triệu kỹ sư, tạo ra nguồn nhân tài khổng lồ cho phát triển AI và máy học, vốn được xem là lợi thế chính của New Delhi trong cuộc đua AI toàn cầu. Giới phân tích dự đoán, các dịch vụ AI của Ấn Độ có thể trị giá 17 tỉ USD vào năm 2027. Jensen Huang, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Nvidia (Mỹ) trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9 năm ngoái thậm chí còn dự đoán: “Đây sẽ là một trong những thị trường AI lớn nhất thế giới”.

Theo Puneet Chandok, Chủ tịch Microsoft khu vực Ấn Độ và Nam Á, nhiều nghiên cứu cho thấy Ấn Độ là nơi có tỷ lệ ứng dụng AI cao nhất. Tới 92% những người làm việc trí óc sử dụng AI tạo sinh tại nơi làm việc, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 75%. “Điều đó cho thấy tác động đáng kể của AI đối với lực lượng lao động Ấn Độ và các bước chủ động mà cả nhân viên và giới lãnh đạo đang thực hiện để tích hợp AI vào thói quen hàng ngày.” - ông Chandok cho biết.

Trong vài năm qua, Ấn Độ là điểm đến yêu thích của các “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Meta và là nơi các doanh nghiệp Ấn Độ như Reliance Jio hay Tata Consulting Services cũng như các công ty khởi nghiệp trong nước tự tin phát triển. Mặt khác, New Delhi cũng đang nỗ lực đạt được cái gọi là “AI có chủ quyền” bằng việc tích hợp các mô hình quy mô lớn trên khắp các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và quản trị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hồi tháng 3, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua kế hoạch đầu tư trị giá 1,25 tỉ USD cho “Sứ mệnh AI quốc gia” đầy tham vọng nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng máy tính, các công ty khởi nghiệp và việc ứng dụng AI trong các lĩnh vực công. “Chúng tôi muốn Ấn Độ trở thành gara công cụ AI toàn cầu, đặc biệt là đối với Nam bán cầu” - Jibu Elias, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu AI của Ấn Độ, cho biết. Đến tháng 7, công ty phần mềm lớn nhất của Ấn Độ, Tata Consultancy Services (TCS), cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào một dự án AI tạo sinh với tổng vốn đầu tư vượt quá 1,5 tỉ USD. 

Với 900 triệu dân được kết nối Internet, Ấn Độ được coi là “thủ đô dữ liệu của thế giới”. Trong đó, phần lớn dữ liệu này tồn tại trong các tập dữ liệu công khai mà các công ty có thể sử dụng để viết thuật toán AI. Và với lượng lớn dữ liệu được công khai như vậy, một loạt công ty khởi nghiệp Ấn Độ hiện đang chạy đua xây dựng các mô mình ngôn ngữ lớn (LLM), khai thác AI tạo sinh bằng cách “học” từ một lượng dữ liệu khổng lồ.

Đơn cử, công ty Krutrim hồi tháng 1 đã trở thành “kỳ lân” đầu tiên của Ấn Độ khi huy động được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư nổi bật ở Thung lũng Silicon. Tương tự, công ty Sarvam gần đây đã ra mắt một bot AI hỗ trợ hơn 10 ngôn ngữ Ấn Độ bằng phần mềm mã nguồn mở sau khi huy động được 41 triệu USD. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ cũng đang hỗ trợ sự đổi mới này bằng cách xây dựng các “LLM mục tiêu”, có khả năng dịch ngôn ngữ thời gian thực cho công dân khi truy cập các dịch vụ công.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết