12/09/2024 - 11:12

Đức “thử thách” sự thống nhất của châu Âu 

Trong khi siết chặt hoạt động an ninh trong nước nhằm trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp và tội phạm sau loạt vụ tấn công cực đoan gần đây, Chính phủ Đức đồng thời lên kế hoạch mở rộng kiểm soát khu vực biên giới giáp 9 quốc gia láng giềng.

Cảnh sát Đức tăng cường an ninh biên giới. Ảnh: AP

Nằm ở Tây và Trung Âu, Đức có biên giới giáp Đan Mạch ở phía Bắc, Ba Lan và Cộng hòa Séc ở phía Đông, Áo và Thụy Sĩ ở phía Nam, Pháp và Luxembourg ở Tây Nam, Bỉ và Hà Lan ở Tây Bắc. Tất cả đều là thành viên khối Schengen, một trong những thành tựu lớn nhất về hợp tác của châu Âu khi cho phép công dân hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng đi lại qua biên giới để làm việc, giải trí.

Nhưng từ đầu tuần sau, Bộ Nội vụ Đức cho biết trong 6 tháng tới sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra có hệ thống tạm thời với người vào nước này trên các tuyến xe buýt, xe lửa hoặc ô tô đến từ Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Luxembourg. Đức đã áp dụng biện pháp kiểm soát cố định tại biên giới với Ba Lan, Áo, Cộng hòa Séc và quốc gia không thuộc EU là Thụy Sĩ từ tháng 10-2023. Mục đích là hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp, bảo vệ quốc gia khỏi “những mối đe dọa cấp bách từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan và tội phạm nghiêm trọng”.

Hiện chi tiết kế hoạch như tần suất và cường độ kiểm tra giấy tờ tùy thân, hay cách thức tuân thủ các quy tắc Schengen và luật pháp EU vẫn chưa rõ ràng. Theo EU, các nước thành viên được tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng. Song, EU lưu ý kiểm soát biên giới nên được viện đến như giải pháp cuối cùng trong những tình huống đặc biệt và phải có giới hạn thời gian.

Người Đức nghĩ gì?

Giai đoạn 2015-2016, người Đức nói chung và chính phủ do Thủ tướng Angela Merkel dẫn dắt nói riêng đã chào đón hơn 1 triệu người tị nạn khi họ trốn khỏi xung đột ở Syria và nhiều nơi khác. Gần 10 năm sau, dòng người tị nạn vào Đức vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất so với những nước lân cận, gây ra phản ứng dữ dội trong cộng đồng khi các dịch vụ xã hội bị quá tải và nỗi lo về an ninh tăng dần với các cuộc tấn công cực đoan.

Khủng hoảng nhập cư tiếp diễn đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đảng cực hữu chủ trương cứng rắn với tị nạn bất hợp pháp ở Đức. Chiến thắng của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong 2 cuộc bầu cử cấp tiểu bang hồi đầu tháng 9 là một minh chứng. Trước đó, Đức trải qua nhiều cuộc tranh luận gay gắt sau vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng ở thị trấn miền Tây Solingen. Nghi phạm được xác định là thanh niên Syria sắp bị trục xuất và có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Bước tiến của AfD “giáng đòn mạnh” vào trung tâm chính trị của Đức, đặc biệt với các đảng trong liên minh cầm quyền đang gặp khó của Thủ tướng Olaf Scholz. Đây còn là dấu hiệu cho thấy lập trường của Đức về vấn đề nhập cư đã thay đổi. Song, trước mong muốn của người dân về việc chính phủ cứng rắn trong nhập cư và kiểm soát biên giới, chuyên gia Alberto-Horst Neidhardt nói rằng chỉ có thể coi biện pháp tăng cường mới là “thông điệp chính trị” nhằm trấn an cử tri thay vì giải quyết hiệu quả mối đe dọa an ninh.

EU lo sợ “phản ứng dây chuyền”

Là trung tâm địa lý và kinh tế của EU, thông báo từ Bộ Nội vụ Đức mở rộng kiểm soát tạm thời tới toàn bộ biên giới đất liền để ứng phó tình trạng di cư bất hợp pháp là “không chấp nhận được” - Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lên án. Ông cho biết Warsaw sẽ triệu tập các cuộc tham vấn khẩn cấp với những nước bị ảnh hưởng. Trong khi đó, liên minh cộng đồng biên giới Hà Lan - Đức coi đây là “phản ứng hoảng loạn” và làm suy yếu nguyên tắc tự do thương mại của Schengen, có thể dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế. Theo Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, khoảng 240.000 người từ các quốc gia lân cận đang đi làm tại nước này.

Ngoài vấn đề trên, câu hỏi về điều gì xảy ra với người bị từ chối tại biên giới Đức cũng được trình bày khi Áo nhấn mạnh sẽ không tiếp nhận bất kỳ người xin tị nạn hoặc di cư bị Đức từ chối. Mối lo khác nữa là động thái của Đức có thể gây ra “phản ứng dây chuyền” trong bối cảnh chính sách thực dụng, chủ nghĩa ngắn hạn và lợi ích quốc gia đang chiếm lĩnh chương trình nghị sự của EU. Ngoài những quốc gia chống nhập cư gắt gao như Hungary và Cộng hòa Séc, hiện Slovenia, Áo và Ý cũng đã mở rộng kiểm soát biên giới tạm thời ở một số khu vực hoặc dọc toàn bộ biên giới.

MAI QUYÊN (Theo AP, BBC)

Chia sẻ bài viết