Dù có sự hiện diện lâu dài ở Ðông Nam Á nhưng sự tham gia hiện tại của Pháp vào khu vực vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh Ðông Nam Á đối mặt với tình hình phức tạp địa chính trị và áp lực phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, Pháp muốn khẳng định mình là cường quốc trung lập, cung cấp sự lựa chọn thứ ba cho các nước trong khu vực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo trong một cuộc gặp hồi tháng 5-2023. Ảnh: Asia Times
Tính trung lập của Pháp
Kể từ năm 2018, Paris đã chính thức hóa chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhằm khẳng định bản thân là một cường quốc Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, qua đó thúc đẩy các mối quan hệ mới ở châu Á.
Bất chấp chiến lược trên, hiệu quả mà Pháp mang lại ở Ðông Nam Á không nhiều. Chưa kể, sự chú ý của Pháp dành cho khu vực cũng bị xao nhãng do Paris phải lo giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra, gồm “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine, chiến tranh ở Dải Gaza cũng như các vấn đề nội bộ của châu Âu, đe dọa đến an ninh của lục địa già và đòi hỏi sự lãnh đạo của xứ gà trống Gaulois.
Song, chính tình hình địa chính trị phức tạp của Ðông Nam Á cũng như sự trỗi dậy của khu vực như là khu vực năng động nhất thế giới đã thôi thúc Pháp đánh giá lại chính sách của mình. Theo đó, Paris đã công bố chiến lược thúc đẩy “Quan hệ đối tác của Pháp tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”, trong đó nhấn mạnh tính trung lập, cam kết mang lại lợi ích cho ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á) bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Việc Pháp không tham gia vào các liên minh như Quad và AUKUS có nghĩa là ASEAN không cần phải lo lắng về việc bị ép phải đứng về phe nào.
Mặt khác, Pháp hồi năm 2007 đã tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Ðông Nam Á (TAC), trở thành thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu tham gia TAC. Ngoài ra, Pháp kể từ năm 2009 cũng đã cử các đại sứ của nước này kiêm nhiệm khối ASEAN, qua đó cho thấy cam kết của Paris trong việc hợp tác với ASEAN.
Ðáng chú ý, Pháp hồi tháng 12 năm ngoái còn tài trợ cho một hội thảo về an ninh tại khu vực. Hội thảo nhằm giải quyết các thách thức, hỗ trợ các cơ chế do ASEAN lãnh đạo và thể hiện sự tận tâm của Pháp trong việc tăng cường vai trò của ASEAN đối với an ninh khu vực.
Sự lựa chọn của ASEAN
Thật ra, cách tiếp cận của Pháp đối với Ðông Nam Á gặp phải những hạn chế so với các cường quốc khác như Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, vì Paris không thể cung cấp tài chính cơ sở hạ tầng quy mô lớn hoặc tài trợ thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, Pháp có thể tận dụng thế mạnh của mình trong an ninh phi truyền thống với ASEAN trong khi các cường quốc khác tập trung vào các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, chiến lược của Pháp tập trung giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, bởi nhiều quốc gia ASEAN còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Pháp có thể tận dụng các nghiên cứu, quỹ tài trợ và kinh nghiệm của mình để hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này với các quốc gia Ðông Nam Á, nơi dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu; phải đối mặt với nhiều thách thức như nước biển dâng cao, nắng nóng, lũ lụt, hạn hán cũng như nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Theo giới chuyên gia, chiến lược này phù hợp với các ưu tiên hiện tại của ASEAN, đặc biệt là trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và các thách thức cấp bách khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, Pháp cũng cung cấp sự lựa chọn thứ ba của các nước Ðông Nam Á về thiết bị an ninh quốc phòng. Trong khi nhiều nước Ðông Nam Á trước đây mua vũ khí từ Nga thì cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó đã thúc đẩy ASEAN đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí. Trong bối cảnh đó, Pháp, quốc gia nắm giữ 11% thị trường vũ khí toàn cầu, đã nắm bắt cơ hội này để bán vũ khí cho các nước ASEAN. Ðơn cử, Pháp hồi tháng 4 đã bán 2 tàu ngầm lớp Scorpene cho Indonesia, trong khi nhà sản xuất vũ khí Nexter của Pháp đang hợp tác với Jakarta để phát triển ngành công nghiệp vũ khí của nước này.
Ngoài ra, Pháp và Philippines hồi cuối năm ngoái đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và theo đuổi một thỏa thuận nhằm cho phép 2 bên triển khai quân đội đến lãnh thổ của nhau.
Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh ASEAN có tiếng nói tương đối yếu hơn so với các cường quốc thì việc có được sự ủng hộ từ các nước có lập trường trung lập như Pháp là rất quan trọng để củng cố các nỗ lực đa phương của ASEAN. Còn đối với Pháp, vị thế này cho phép Paris tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn trong các lĩnh vực thế mạnh của ASEAN.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)