Một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí The Lancet Global Health cho thấy hơn phân nửa dân số thế giới tiêu thụ không đủ lượng bổ sung khuyến cáo về 4 loại vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe, gồm canxi, sắt, vitamin C và vitamin E.
Ăn uống đa dạng thực phẩm giúp cơ thể hấp thu đủ các dưỡng chất cần thiết. Ảnh: Newsweek
Được biết, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng là một trong những dạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn cầu và mỗi dạng thiếu hụt vi chất đều gây ra những hậu quả sức khỏe riêng, từ kết quả thai kỳ bất lợi cho đến tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
Các nghiên cứu trước đây đã ước tính lượng vi chất có sẵn trong thực phẩm và lượng vi chất được con người tiêu thụ. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đến từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) và Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN) đánh giá xem lượng hấp thụ vi chất như vậy có đáp ứng liều lượng được khuyến nghị là cần thiết cho sức khỏe con người hay không, cũng như tìm ra những dạng thiếu hụt vi chất nào mà cả nam và nữ phải đối mặt.
Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu chế độ ăn uống toàn cầu, Ngân hàng Thế giới và các khảo sát về chế độ ăn uống tại 31 quốc gia để so sánh nhu cầu dinh dưỡng với lượng vi chất hấp thụ trong dân số tại 185 quốc gia. 15 loại vitamin và khoáng chất quan trọng được đánh giá gồm: canxi, i-ốt, sắt, riboflavin, folate, kẽm, magiê, selen, thiamin, niacin và vitamin A, B6, B12, C và E.
Kết quả phân tích cuối cùng chỉ ra rằng có sự thiếu hụt đáng kể trong các nhóm dân số về liều lượng hấp thụ đối với hầu hết vi chất dinh dưỡng. Theo đó, lượng hấp thụ không đủ đặc biệt phổ biến đối với i-ốt (68% dân số toàn cầu), vitamin E (67%), canxi (66%) và sắt (65%). Hơn một nửa dân số đã tiêu thụ không đủ lượng riboflavin (còn gọi là vitamin B2), folate (axít folic hoặc vitamin B9), vitamin C và B6. Lượng hấp thụ niacin (hay vitamin B3) là gần với mức khuyến nghị nhất, với 22% dân số toàn cầu tiêu thụ không đủ lượng, tiếp theo là thiamin (vitamin B1) với 30% và selen là 37%.
Cần ưu tiên dung nạp đủ những dưỡng chất nào?
Trong số các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, sắt, canxi, vitamin E và i-ốt đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh lý của cơ thể.
+ Sắt. Sắt rất cần thiết cho quá trình vận chuyển ôxy trong máu, hoạt động trao đổi chất của cơ, tăng trưởng thể chất, phát triển não bộ và sản xuất hoóc-môn. Lượng bổ sung sắt tiêu chuẩn là 8mg/ngày đối với nam, 18mg/ngày với nữ và 27mg/ngày với thai phụ. Giới hạn bổ sung sắt tối đa là 45mg/ngày. Thực phẩm giàu sắt gồm: thịt đỏ (bò, cừu, heo), nội tạng động vật, động vật có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến), rau lá màu xanh đậm (cải bó xôi, cải xoăn), các loại đậu và hạt (đậu lăng, hạt bí, hạt mè, hạt điều).
+ Canxi. Dưỡng chất này rất quan trọng đối với sức khỏe xương, tuần hoàn máu, chức năng cơ, hoạt động tiết hoóc-môn và giao tiếp trong hệ thần kinh. Lượng bổ sung canxi tiêu chuẩn cho người dưới 50 tuổi là 1.000mg/ngày và cho người trên 50 tuổi là 1.200 mg/ngày. Tiêu thụ hơn 2.500mg/ngày dễ gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Thực phẩm giàu canxi gồm: sữa bò, rau lá màu xanh đậm, đậu nành, hạt chia, hạnh nhân...
+ Vitamin E. Loại vitamin tan trong chất béo này giúp dọn sạch các sản phẩm thải ra từ các phản ứng trao đổi chất, có thể gây tổn thương cho các tế bào cơ thể. Vitamin E cũng hỗ trợ hệ miễn dịch và hoạt động giao tiếp giữa các tế bào. Lượng bổ sung vitamin E tiêu chuẩn là 15 miligam/ngày, tối đa không quá 1.000 miligam/ngày. Thực phẩm giàu vitamin E gồm: bông cải xanh, cải bó xôi, bơ, kiwi, hạt hướng dương, hạnh nhân…
+ I-ốt. Đây là khoáng chất thiết yếu mà cơ thể cần để tạo ra hoóc-môn tuyến giáp. Hoóc-môn này điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh thân nhiệt, sức khỏe tim mạch, sự phát triển của não và cân nặng cơ thể, cùng nhiều yếu tố khác. Lượng bổ sung i-ốt tiêu chuẩn là 150 microgam/ngày và 220 microgam/ngày đối với phụ nữ mang thai, nhưng không quá 1.100 microgam. Thực phẩm có bổ sung i-ốt bao gồm một số loại bánh mì và muối i-ốt.
AN NHIÊN (Theo SciTechDaily, Newsweek)