13/09/2024 - 08:00

Trung Quốc đáp trả Nhật Bản về Ðài Loan 

Câu hỏi liệu chiến lược của Trung Quốc với Nhật Bản có thay đổi hay không đang được nhiều nhà phân tích mổ xẻ, đặc biệt sau mối quan ngại nghiêm trọng liên quan những động thái chưa từng có của Bắc Kinh gần đây.

Căn cứ Không quân Mỹ tại Okinawa. Ảnh: EPA

Cuối tháng 8, Tokyo triển khai máy bay chiến đấu F-15 và F-2 để cảnh báo trinh sát cơ Y-9 của Trung Quốc bay qua quần đảo Danjo thuộc Tây Nam Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật, trước đó Bắc Kinh thường xuyên điều máy bay vào không phận quốc tế ở Biển Hoa Đông. Theo giới quan sát, động thái này của Trung Quốc nhằm thăm dò thời gian phản ứng của Nhật Bản.

Đầu tháng 9, Trung Quốc tiếp tục nhắm tới Nhật Bản khi tờ báo Hong Kong Sing Tao Daily đưa tin Đại học Hàng hải Đại Liên có liên kết với quân đội đang lên kế hoạch mở trung tâm Ryukyu để “tiến hành nghiên cứu về Okinawa”. Nếu được thành lập, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu đầu tiên chuyên về Okinawa tại một cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc. Là đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, trải dài khoảng 1.000km gần tới Đài Loan, Okinawa ở trung tâm của Vương quốc Ryukyu (Vương quốc Lưu Cầu) vốn là phiên thuộc của triều đình Trung Quốc. Nơi đây từng có 400 năm phải cống nạp cho các triều Minh và Thanh cho tới khi sáp nhập vào Nhật Bản năm 1879. Người dân ở Ryukyu được cho có quan hệ gần gũi với Nhật về mặt dân tộc và ngôn ngữ hơn Trung Quốc.

Năm 1972, Okinawa được Mỹ trao trả cho Nhật Bản sau thời gian dài chiếm đóng. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Okinawa từng đóng vai trò lá chắn ngăn đà tiến của quân Đồng minh nhắm vào đảo chính Nhật Bản. Ngày nay, Okinawa là nơi đồn trú của 2/3 trong số 50.000 lính Mỹ được điều đến Nhật Bản theo hiệp ước phòng thủ song phương. Các căn cứ nơi đây tiếp tục giữ vai trò chiến lược “chắn” Trung Quốc và giám sát CHDCND Triều Tiên.

Động cơ của Trung Quốc

Loạt hành động của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Nhật Bản và Mỹ tăng cường hợp tác an ninh khi cả 2 để mắt tới hành vi leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông và xung quanh Đài Loan. Để đáp trả, như tiêu đề bài viết của tờ báo Hong Kong có nhắc đến “lá bài Ryukyu”, Trung Quốc có thể chuẩn bị sử dụng “tình trạng của Okinawa” như vũ khí chính để cảnh báo Tokyo không can thiệp vấn đề Đài Loan.

Theo giới phân tích, việc thảo luận lại vấn đề này hoàn toàn trái ngược lập trường trước đây của Trung Quốc. Vào những năm 1960, Bắc Kinh đã công nhận Okinawa là một phần của Nhật Bản và ủng hộ yêu cầu Mỹ trả quần đảo này cho Tokyo. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các dấu hiệu thay đổi tiềm tàng đã xuất hiện từ năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “điều chỉnh hướng đi” liên quan lập trường đối với Okinawa. Thời điểm đó, một bài viết xuất bản trên tờ Nhân dân Nhật báo lần đầu tiên kết luận tình trạng của Okinawa là “chưa được giải quyết”. Tờ Hoàn cầu Thời báo thậm chí lên bài ủng hộ đảo này giành độc lập khỏi Nhật Bản.

Đây là diễn biến “gây sốc” cho Chính phủ Nhật Bản cũng như người dân tỉnh Okinawa. Nếu nghiêm túc thảo luận lại tình trạng Okinawa trong thời đại này, Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng hướng sức mạnh quân sự hàng hải toàn diện tới đảo cực Nam của Nhật Bản. Việc đặt trung tâm nghiên cứu Ryukyu tại Đại học Hàng hải Đại Liên đã phần nào nói lên ý định của Bắc Kinh. Từ những năm 1960, đại học của tỉnh Liêu Ninh tuân theo mô hình quản lý bán quân sự, trong đó các chức năng phát triển được chuyển giao cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) cùng các bộ giao thông vận tải và giáo dục. CCG cũng là lực lượng thường xuyên xuất hiện trên các tiêu đề tin tức những năm gần đây, khi tàu của họ liên tục xâm phạm vùng biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku hoặc va chạm tàu của Philippines ở Biển Đông.

Nhìn chung, bằng cách nêu ra tình trạng Okinawa, Trung Quốc rõ ràng chuẩn bị trả đũa những gì họ coi là sự can thiệp của Nhật Bản vào vấn đề Đài Loan. Nhưng việc chính trị hóa nghiên cứu lịch sử theo cách như vậy là nguy hiểm và có thể phản tác dụng. Trước tiên, nó thách thức quan điểm đã được Trung Quốc chấp nhận rộng rãi cách đây hàng thập kỷ, sau nữa là khiến địa chính trị khu vực leo thang căng thẳng. Mặt khác, Okinawa là nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ và nếu Trung Quốc thay đổi lập trường, họ phải chuẩn bị cho cuộc đụng độ lớn hơn với lực lượng Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

 

Chia sẻ bài viết