22/11/2011 - 10:09

Tái cơ cấu kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng

* PGS. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN
Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
* TS VŨ THÀNH TỰ ANH
Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam

(Tiếp theo và hết)

5 - Kiên định với chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức là Chính phủ chỉ tăng đầu tư khi tổng cầu có dấu hiệu suy giảm do khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình không đầu tư và chi tiêu như kỳ vọng.

d) Tái cấu trúc khu vực tài chính, với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại

Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại là xương sống của khu vực tài chính. Nhưng trên thực tế, các ngân hàng đã và đang là một mầm mống đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô. Những yếu kém từ lâu nhưng chưa được giải quyết đang làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng kép (tiền tệ và ngân hàng). Việc khắc phục những yếu kém cố hữu này đòi hỏi quyết tâm chính trị cao.

1- Trong ngắn hạn:

- Không cho phép thành lập ngân hàng thương mại mới cho đến khi các trục trặc của hệ thống ngân hàng thương mại được khắc phục về cơ bản.

- Giảm bớt và đi đến chấm dứt các biện pháp can thiệp hành chính có tính tình thế và thường là đột ngột đối với hệ thống ngân hàng thương mại. Áp dụng một cách nhất quán các công cụ điều tiết có tính minh bạch và dự báo được.

- Kiên quyết triển khai các biện pháp quản lý rủi ro hệ thống, quan trọng nhất là kiểm soát rủi ro thanh khoản và kiềm chế nợ xấu của các ngân hàng do tác động của cho vay chứng khoán và bất động sản.

- Kiểm soát tăng trưởng tín dụng và cung tiền: Trong trung hạn, tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức dưới 20%. Trong dài hạn, mức trần này phải tiếp tục giảm vì tổng dư nợ tín dụng nội địa của nền kinh tế hiện nay đã ở mức rất cao (khoảng 130% GDP so với 50% GDP vào năm 2004).

- Quản trị rủi ro có mục tiêu, theo nguyên tắc thị trường: Việc thắt chặt tiền tệ không có mục đích tự thân, mà quan trọng hơn là để điều tiết dư nợ tín dụng của các ngân hàng rủi ro và nâng cao hiệu quả phân bổ tín dụng. Rõ ràng là mức độ rủi ro và trình độ quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng là khác nhau. Vì vậy, NHNN chỉ nên kiểm soát dư nợ trong toàn hệ thống ngân hàng không quá 20% (thay vì cho từng ngân hàng như hiện nay), đồng thời phân nhóm hệ thống ngân hàng theo mức độ rủi ro và trình độ quản trị để từ đó có những phương pháp quản lý thích hợp.

2 - Trong trung hạn:

- Cải thiện quản trị ở các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như cổ phần để buộc các ngân hàng cho vay trên cơ sở hiệu quả kinh tế chứ không phải quan hệ thân hữu.

- Cải thiện hệ thống điều tiết hoạt động ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung trên cơ sở tăng cường tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực thị trường là nội dung cốt lõi của cải cách khu vực tài chính ở Việt Nam.

- Xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng để tạo ra cơ chế thải loại các ngân hàng yếu kém.

3 - Trong dài hạn:

Xây dựng NHNN trở thành một Ngân hàng Trung ương hiện đại dựa theo bốn nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Bảo đảm sự tự chủ và tính thị trường trong việc xác lập lãi suất mục tiêu của Ngân hàng Trung ương, đồng thời, bảo đảm lãi suất mục tiêu này được hình thành trên cơ sở thị trường.

Nguyên tắc 2: Coi ổn định mặt bằng giá là mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ. Đây là điều kiện cần thiết để củng cố hiệu lực cho chính sách của Ngân hàng Trung ương, nhất là trong điều kiện mức độ độc lập hạn chế và tồn tại nhiều khó khăn có tính cố hữu, như tình trạng ba đồng tiền tồn tại song song, nền kinh tế thiên về sử dụng tiền mặt, bộ ba bất khả thi v.v..

Nguyên tắc 3: Kiểm soát chặt việc Ngân hàng Trung ương cho Chính phủ vay trực tiếp. Nói cách khác, cần tách bạch chức năng in tiền và chức năng tiêu tiền.

Nguyên tắc 4: Tăng cường năng lực kỹ trị cho Ngân hàng Trung ương. Nếu như ba nguyên tắc trên được tuân thủ và Ngân hàng Trung ương được tăng cường năng lực kỹ trị một cách thích đáng thì Ngân hàng Trung ương vẫn có khả năng đưa ra những chính sách tiền tệ kịp thời và đúng hướng.

e) Trả lại cơ chế thị trường cho các loại giá cơ bản, như lãi suất, tỷ giá, giá đất, năng lượng

Hiện nay hầu như tất cả các loại giá quan trọng nhất của nền kinh tế, bao gồm giá đất, tỷ giá, lãi suất, giá điện, giá xăng dầu... đều bị bóp méo. Hệ quả đầu tiên là nguồn lực quốc gia bị phân bổ rất kém hiệu quả, đồng thời tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các hành vi tranh giành đặc quyền đặc lợi. Hệ quả tiếp theo là cơ cấu kinh tế bị những hoạt động đầu tư kém hiệu quả và hành vi trục lợi này kéo lệch về hướng bất lợi cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Trong khu vực DNNN, ví dụ điển hình là tình trạng ào ạt đầu tư ngoài ngành. Còn ở cấp độ chính quyền địa phương là việc đua nhau mở khu kinh tế, khu công nghiệp, xây sân bay và cảng nước sâu. Ở khu vực tư nhân là tình trạng đầu tư ồ ạt vào các ngành khai thác tài nguyên, thâm dụng năng lượng, và ô nhiễm môi trường.

f) Xây dựng khu vực dân doanh thành một động lực tăng trưởng

Bất chấp sự thiên lệch về chính sách và phân bổ nguồn lực, khu vực dân doanh đã thực sự trở thành một động lực chủ yếu trong nền kinh tế.

Năng lực sử dụng vốn một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao năng lực sản xuất cộng nghiệp và xuất khẩu là những tiền đề thiết yếu để đất nước phát triển. Để đạt được những điều này, Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng, giúp khu vực dân doanh trưởng thành tương xứng với tiềm tăng và những đóng góp của khu vực này vào phát triển.

g) Thay đổi “hệ điều hành” cho phù hợp với nền kinh tế mới

1. Chuyển dần các biện pháp can thiệp có tính hành chính sang các biện pháp điều tiết có tính thị trường.

2 - Tách bạch chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Do chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa các chức năng đó mà một cơ quan vừa ra quyết định, vừa thi hành quyết định đó của mình. Hệ quả của việc lẫn lộn chức năng này là trách nhiệm bị đẩy lên trên, công việc bị ùn tắc, dễ xảy ra lạm quyền, khó xây dựng được một đội ngũ công chức hiệu năng và liêm chính. Tất cả những điều này không chỉ hạn chế chất lượng và tính kịp thời của chính sách, mà còn tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

3 - Cải cách thể chế để khắc phục tình trạng thể chế đi sau tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, song nhiều thể chế nền tảng, như quyền sở hữu tài sản, tòa án, Luật Phá sản, Luật Kiểm soát độc quyền v.v.. chậm được cải thiện. Đây thực sự là trở ngại trên con đường vươn tới sự thịnh vượng.

4 - Thay đổi cung cách làm kế hoạch và quy hoạch. Cách làm kế hoạch và quy hoạch hiện nay nhìn chung không có gì thay đổi so với trước đổi mới. Hệ quả là mặc dù kế hoạch và quy hoạch rất nhiều nhưng lại rất ít gắn với đời sống kinh tế của đất nước. Không những thế, hệ thống kế hoạch và quy hoạch trong nhiều trường hợp còn cản trở sự phát triển của nền kinh tế do quá phiền hà, thậm chí mâu thuẫn nhau.

5 - Thành lập Hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia gồm những nhà kinh tế học và kinh tế lượng hàng đầu, cả bên trong và bên ngoài nhà nước, đóng vai trò như “hệ thần kinh trung ương” và “kiến trúc sư trưởng” của cải cách kinh tế và cải cách thể chế kinh tế của quốc gia.

h) Tăng cường chất lượng của hệ thống số liệu thống kê

Số liệu thống kê hiện nay vừa thiếu, vừa kém chất lượng. Hệ thống thống kê hiện nay vẫn chưa có một số chỉ tiêu thống kê cơ bản, như dự trữ ngoại hối, chi tiêu ngoài ngân sách, tỷ suất giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu, niềm tin của nhà sản xuất và của người tiêu dùng, v.v.. Nhiều chỉ tiêu cực kỳ quan trọng chưa được đo lường một cách chính xác mà điển hình là GDP, tỷ lệ thất nghiệp, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng, lãi suất thực, chỉ số giá tiêu dùng. Hệ quả là với hệ thống số liệu thống kê như hiện nay, rất khó để “chẩn đoán” chính xác thực trạng của nền kinh tế, và vì vậy rất khó “kê đơn” chính sách một cách hiệu quả.

i) Trong dài hạn, nguồn lực con người là nhân tố quyết định

1 - Bằng mọi cách thu hút người giỏi và chính trực vào bộ máy nhà nước. Điều này chỉ có thể thực hiện được với một hệ thống khuyến khích nhân sự mới. Cụ thể là: Tinh giản bộ máy hành chính, đồng thời trả lương xứng đáng cho công chức và viên chức theo đúng giá trị thị trường của sức lao động; đánh giá, trả lương và đề bạt cán bộ theo kết quả thực hiện công việc.

2 - Thực sự cải cách toàn diện, triệt để giáo dục, bắt đầu với giáo dục đại học.

(Theo Tạp chí Cộng sản)

* PGS. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam * TS VŨ THÀNH TỰ ANH Giám

Chia sẻ bài viết