24/03/2024 - 08:13

Sàng lọc lao tiềm ẩn: giảm nguy cơ mắc bệnh lao 

Nhiều người chưa biết nếu sống cùng hoặc thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân lao, cần sàng lọc lao tiềm ẩn. Lao tiềm ẩn là tình trạng có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng chưa phát triển thành bệnh. Nếu hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn lao ở dạng tiềm ẩn sẽ sinh sôi và phát triển thành bệnh lao.

Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng

Theo thông tin từ Chương trình Chống lao Quốc gia, cứ 4 người thì có 1 người nhiễm lao tiềm ẩn. Do không có triệu chứng bệnh lao, nên nhiều người chưa chủ động sàng lọc. BS Võ Nguyễn Thúy Vy, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, cho biết: Khoảng 5-10% số người nhiễm lao tiềm ẩn có khả năng phát triển thành bệnh lao. Những người có nguy cơ cao chuyển từ lao tiềm ẩn thành bệnh lao gồm: người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi (người tiếp xúc trong hộ gia đình, nhân viên y tế); người mắc bệnh mạn tính như bệnh bụi phổi, đái tháo đường, suy thận, chạy thận nhân tạo…; người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài: người nhiễm HIV, bệnh hệ thống như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, bệnh nhân điều trị thuốc sinh học (anti-TNF), bệnh nhân cấy ghép tạng và những người chuẩn bị cấy ghép tạng…

Tiêm PPD tuberculin, xét nghiệm lao tiềm ẩn tại cộng đồng.

Tại các Tổ Lao thuộc trung tâm y tế quận, huyện hoặc trạm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ, khi phát hiện 1 ca bệnh lao thì nhân viên y tế sẽ tư vấn cho người sống cùng, thường xuyên tiếp xúc, đến cơ sở y tế để tầm soát lao hoạt động và lao tiềm ẩn. Trước hết, các thầy thuốc sẽ thăm khám, tư vấn, chụp X-quang. Nếu không mắc bệnh lao thì tiếp tục sàng lọc lao tiềm ẩn bằng xét nghiệm Mantoux. Người tham gia sàng lọc lao tiềm ẩn sẽ được tiêm một lượng nhỏ PPD tuberculin vào trong da. Sau 65-72 giờ, người tham gia sẽ quay lại cơ sở y tế để đọc kết quả tại vị trí tiêm.

Với trẻ dưới 5 tuổi là người tiếp xúc trong hộ gia đình với bệnh nhân lao phổi và người nhiễm HIV thì không cần xét nghiệm, chỉ cần loại trừ mắc bệnh lao và không có chống chỉ định là có thể thu nhận điều trị lao tiềm ẩn.

Điều trị đơn giản, miễn phí

Điều trị lao tiềm ẩn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%. Từ năm 2023, TP Cần Thơ áp dụng phác đồ điều trị lao tiềm ẩn chỉ 1 liều thuốc/tuần, phác đồ điều trị gồm 12 liều. Việc chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn hoàn toàn miễn phí.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân, khi điều trị cần thực hiện: đúng thuốc, đúng liều lượng, uống thuốc đều đặn cùng giờ hằng ngày, đủ thời gian. Tái khám hằng tháng tại trung tâm y tế quận, huyện. Khi dùng thuốc, một số tác dụng phụ thường gặp: cảm thấy nóng trong người, buồn nôn, nôn, ngứa,… Khi thấy xuất hiện các tác dụng phụ, người bệnh cần liên hệ nhân viên y tế để có hướng xử trí.

BS Võ Nguyễn Thúy Vy cho biết: Hiện nay, việc sàng lọc và điều trị lao tiềm ẩn còn gặp khó khăn, do người dân chưa biết thông tin về lao tiềm ẩn, một số ít người đã được chẩn đoán lao tiềm ẩn nhưng chưa đồng ý điều trị. Từ thực tế đó, các thầy thuốc cần kiên trì tư vấn về lợi ích của điều trị lao tiềm ẩn. Ngoài ra, sau khi đã sàng lọc lao chủ động, lao tiềm ẩn, không nên chủ quan, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm. Với người trẻ, sức đề kháng còn tốt thì có thể 2 năm thực hiện lại xét nghiệm lao tiềm ẩn.  

Khi đã mắc lao, người bệnh cần được điều trị từ 6 tháng đến 9 tháng, trong khi lao tiềm ẩn chỉ 12 liều thuốc/12 tuần. Lợi ích quá rõ ràng. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người sống cùng, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao cần sàng lọc lao tiểm ẩn, theo dõi sức khỏe. Khi có dấu hiệu mắc lao, cần đến cơ sở y tế điều trị ngay.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết