27/04/2024 - 14:02

7 khuyến cáo xử lý thực phẩm an toàn ngày nắng nóng 

Theo BS CKI Nguyễn Hồng Phong, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, những ngày gần đây liên tục nắng nóng, nhiệt độ cao và độ ẩm tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

BS CKI Nguyễn Hồng Phong thăm khám cho bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa. 

Trong môi trường nóng ẩm, nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm chưa đúng cách cùng với việc để thực phẩm ở ngoài không khí nóng quá lâu khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm và các loại vi khuẩn có hại khác,…. Khi người dùng ăn phải có nguy cơ cao nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Người bệnh thường có các triệu chứng như:  sốt, đau bụng, nôn ói. Bệnh nhân có thêm triệu chứng tiêu chảy, trên 3 lần trong ngày, cần được nhập viện theo dõi điều trị. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể nặng lên, gây tình trạng mất nước, khô miệng, tiểu ít, rối loạn điện giải và có thể nhiễm trùng máu.

BS CKI Nguyễn Hồng Phong khuyến cáo, để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cho gia đình, phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa trong thời tiết nắng nóng, mỗi người dân, hộ gia đình cần lưu ý những biện pháp:

- Chọn mua thực phẩm tươi sống, còn hạn sử dụng, có xuất xứ rõ ràng.

- Chế biến thực phẩm đúng cách, không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín nhằm ngăn vi khuẩn lây lan và phát triển.

- Đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nơi chế biến thức ăn sạch sẽ.

- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, nếu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh nên điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dưới 5oC hoặc bảo quản trong tủ đông nhiệt độ từ -15oC đến -18oC.

- Thực phẩm cần giữ lạnh và rã đông đúng cách, làm tan thực phẩm đông lạnh kỹ lưỡng, không nên rã đông quá nhiều lần để tránh tình trạng vi khuẩn nhân lên nhiều lần trong thực phẩm.

- Nấu chín kỹ thức ăn, luôn ăn chín, uống nước đun sôi để nguội để giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa.

- Không ăn những thực phẩm không rõ về nguồn gốc, cây thảo dược, các loại nấm có hại.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết