Chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (ngày 26-4) và tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống kinh tế - xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “SHTT - Nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và phát triển kinh tế - xã hội”. Hội thảo được đánh giá cung cấp và kết nối thông tin hữu ích về SHTT giúp tổ chức, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp tham gia nâng cao nhận thức về SHTT, thúc đẩy hoạt động ĐMST, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL đã được bảo hộ quyền SHTT; hoạt động tư vấn, kết nối đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Nỗ lực
Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Vai trò của bảo hộ quyền SHTT trong phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao tốc độ ĐMST ngày càng được thừa nhận rộng rãi. Việc bảo hộ quyền SHTT sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tại các quốc gia đang phát triển. Các quyền SHTT cũng là nhân tố chính đảm bảo tăng trưởng các hoạt động giá trị gia tăng và phát triển thương mại quốc tế. Tại TP Cần Thơ, chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ triển khai qua các giai đoạn đã tác động tích cực, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả đối với đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Hoạt động tuyên truyền về SHTT được triển khai với nhiều hình thức và tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân góp phần kích thích sự đầu tư của xã hội, chính quyền địa phương về hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL đã được bảo hộ quyền SHTT.
Thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020, các tổ chức, cá nhân đã dần chủ động đăng ký bảo hộ SHTT. Kết quả ghi nhận TP Cần Thơ có 2.406 đơn đăng ký bảo hộ được Cục SHTT chấp nhận (tăng 56,8% so với giai đoạn 2011-2015) và 1.434 văn bằng bảo hộ được cấp mới (tăng 34,5% so với giai đoạn 2011-2015). Về chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) vừa được Bộ KH&CN công bố vào tháng 3-2024, TP Cần Thơ xếp thứ 5, với điểm số 49,66. Thành phố cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra ĐMST đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội.
Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp nâng cao giá trị doanh nghiệp thông qua hoạt động ĐMST và phát triển tài sản trí tuệ, bà Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu BBI, cho biết: “BBI chuyên phân phối xuất nhập khẩu nón bảo hiểm, đồ bảo hộ cho người đi mô tô, xe gắn máy. Giấy phép thành lập công ty được cấp ngày 9-6-2015 nhưng chúng tôi đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Bulldog helmet vào ngày 14-8-2014. Điều đó có nghĩa là gì? Chúng tôi đăng ký bản quyền nhãn hiệu từ rất sớm, ngay khi có ý định muốn làm thương hiệu riêng. Hiện nay, ngoài thị trường Việt Nam, Công ty cũng đã được cấp bằng công nhận tại Mỹ, Lào, Trung Quốc, Italy và còn 5 quốc gia khác đang trong giai đoạn thẩm định”.
Chung tay tìm giải pháp
Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày SHTT thế giới 2024 là “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Chủ đề có ý nghĩa sâu sắc, nhấn mạnh vai trò SHTT trong khuyến khích, hỗ trợ và tăng cường các giải pháp ĐMST quan trọng hướng tới xây dựng tương lai chung dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Liên Hiệp Quốc đưa ra. Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam, Cục SHTT, nhấn mạnh: ĐMST được biểu hiện dưới hình thức tạo mới hoặc cải tiến (hoặc kết hợp) sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình, phương pháp... và luôn đáp ứng 2 yếu tố: giá trị sử dụng cho đời sống và giá trị thương mại. Tức là phải ứng dụng được vào đời sống, vào thị trường và đem lại lợi ích vật chất, tinh thần cho con người. Cũng theo ông Trần Giang Khuê, ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều sản phẩm truyền thống chủ yếu là nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn đặc trưng riêng của một vùng quê, một khu vực địa lý của đất nước, được chọn lọc qua nhiều thế hệ; gắn với mồ hôi, công sức của người nông dân với những giá trị văn hóa lớn lao. Do đó, cần được bảo tồn, lưu giữ, phát triển và nhất thiết phải xây dựng thương hiệu cộng đồng từ những sản phẩm tiềm năng này.
Từ thực tế phát triển tài sản trí tuệ từ hoạt động R&D và ĐMST trong phạm vi trường đại học, PGS.TS Phạm Minh Đức, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, nhìn nhận: Kết quả nghiên cứu khoa học phát triển thành tài sản trí tuệ chuyển giao cho doanh nghiệp mang tính “thương mại” cũng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm nghiên cứu khoa học xác lập quyền SHTT còn rất thấp; bảo hộ tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản còn hạn chế. Do đó, phát triển tài sản trí tuệ rất cần nguồn lực để ươm tạo từ sản phẩm nghiên cứu khoa học đến chuyển giao công nghệ mang tính thương mại; tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đặt hàng theo nhu cầu phát triển của xã hội; tăng cường nâng cao nhận thức về bảo hộ tài sản trí tuệ cho cộng đồng, các bên liên quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề xác lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cần được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện từ xa, từ sớm. Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền và tổ chức đào tạo kiến thức về SHTT, lồng ghép vào cẩm nang những điều cần làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trong giai đoạn tăng tốc, bứt phá. “Đăng ký quyền SHTT với nhãn hiệu mới, chi phí chỉ tốn vài ba triệu đồng nhưng dính tới kiện tụng, tốn vài chục, vài trăm triệu đồng là chuyện thường, thậm chí còn bị mất trắng, bị kiện ngược lại dù sản phẩm đó do mình tạo ra. Vì vậy, chúng ta hãy xem đăng ký SHTT là một khoản đầu tư nhỏ mang lại lợi ích to trong tương lai” - bà Nguyễn Xuân Trang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MỸ THANH